Tham gia lễ tiễn hàng ngàn sinh viên, công nhân về quê có các đồng chí: Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động chăm lo tết cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tập tại các trường học trên địa bàn TPHCM. Chương trình do Thành Đoàn, Hội Sinh viên, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM, Báo Thanh niên phối hợp nhãn hàng Acecook, Lifebuoy cùng các đơn vị thực hiện.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của sinh viên và người lao động khó khăn, “Chuyến xe mùa Xuân” năm nay sẽ đưa 2.200 sinh viên và người lao động khó khăn về các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Phát biểu tại lễ tiễn, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TPHCM Trần Thu Hà cho hay, đoàn viên là mong ước của mỗi người dịp tết đến Xuân về, đặc biệt những ai xa quê hương, xa gia đình để học tập, lao động. Thấu cảm điều đó, Đảng bộ, Chính quyền và các tổ chức, đơn vị tại TPHCM tích cực triển khai thực hiện nhiều hoạt động chăm lo trong Tết Giáp Thìn 2024, nhằm phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, để tết thật sự là niềm vui của mọi người, mọi nhà.
“Chúng tôi mong rằng, thông qua chương trình này, các bạn sinh viên, người lao động sẽ cảm nhận được giá trị nhân văn, ý nghĩa của sự sẻ chia, tình nhân ái, để mọi người thấy rằng bên cạnh gia đình nhỏ của mình, TPHCM thân yêu cũng sẽ là ngôi nhà cùng đồng hành, sẻ chia. Mong rằng, giá trị về sự sẻ chia này sẽ được các bạn nuôi dưỡng và phát triển trong tương lai, từ đó tạo nên những câu chuyện đẹp, mang ý nghĩa nhân văn khác”, bà Trần Thu Hà nhắn gửi.
Sáng nay, chị Hoàng Thị Nga (40 tuổi, quê Nghệ An), công nhân Công ty TNHH Freetrend Việt Nam cùng chồng và con trai đến Nhà Văn hóa Thanh Niên TPHCM từ rất sớm, để tham gia hành trình về quê đón tết trên “Chuyến xe mùa Xuân”. Hơn 12 năm trước, chị Nga rời quê vào TPHCM lập nghiệp, lấy chồng rồi sinh con. Mấy năm trước, chồng chị trong một lần đi làm bị tai nạn, sức khỏe yếu. Năm qua, thu nhập của gia đình giảm sút do ảnh hưởng tình hình chung.
Chị Nga là một trong số 2.200 sinh viên, người lao động khó khăn được nhận vé xe miễn phí về quê đón tết. Xúc động, chị chia sẻ, cuộc sống khó khăn, thu nhập chỉ vừa đủ trang trải nên 6 năm rồi không về quê. Con trai chị 6 tuổi, cũng là lần đầu tiên được về quê đón tết cùng ông bà.
Với chị Nga, tấm vé xe đã giúp gia đình đoàn viên và đỡ được rất nhiều chi phí trong dịp tết này.
Cũng có mặt tại điểm tập trung từ sớm, bà Đoàn Thị My, năm nay hơn 60 tuổi (quê tỉnh Bình Định, đang trọ tại TP Thủ Đức) vui mừng khoe tấm vé xe. Bà My cho biết, nếu không được hỗ trợ tấm vé, bà phải mất hơn 1 triệu đồng để mua vé xe về quê. Hành trang của bà về quê năm nay còn có các phần quà được chương trình và các tổ chức, nhà hảo tâm gửi tặng những ngày qua.
Với em Võ Viết Thọ (quê Quảng Trị), sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), đây là lần thứ 2 được về quê đón tết trên “Chuyến xe mùa Xuân”. Hoàn cảnh của Thọ khó khăn, ba mẹ ở quê đều là nông dân, năm nay thời tiết bất lợi nên việc trồng trọt không được thuận lợi. Ngoài giờ học, em phải đi làm thêm để có tiền trang trải sinh hoạt phí.
Thọ chia sẻ, tiền vé xe tăng, tưởng tết năm nay phải ở lại. May mắn nhờ sự hỗ trợ từ chương trình, em được về với gia đình.
Theo ông Lê Nguyễn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM, những vé xe, vé tàu về quê đón tết mà chương trình dành tặng sinh viên, người lao động không chỉ là phương tiện, đó còn là món quà tết đặc biệt về thông điệp của tình thân ái, nhắc nhở giới trẻ về giá trị của sức khỏe, lan tỏa giá trị truyền thống về ước nguyện đoàn viên, sum vầy của mỗi gia đình trong dịp tết.
“Chuyến xe mùa Xuân” là chương trình được Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM khởi xướng và thực hiện thường niên từ năm 2002. Đến nay, đã có 61.125 sinh viên khó khăn được hỗ trợ về quê đón tết.
Trước đó, Ban Tổ chức đã triển khai các chuyến tàu, chuyến xe đưa sinh viên đang học tập tại TPHCM về quê đón tết sớm vào ngày 28-1.