Mặc dù thời tiết lạnh và có mưa nhẹ, nhưng hàng ngàn người dân, phật tử và du khách thập phương vẫn đổ về đền Sóc từ sáng sớm để tham dự lễ khai hội. Lễ hội năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 3 đến 5-2, bao gồm 2 phần chính: phần lễ và phần hội.
Phần lễ có các nghi thức rước và dâng 8 lễ phẩm truyền thống gồm: giò hoa tre, ngựa chiến, voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, cô tướng và cầu húc. Đặc biệt, nghi thức rước giò hoa tre và trầu cau vốn thu hút đông đảo sự chú ý đã được tổ chức đảm bảo văn minh, trật tự, tránh tình trạng tranh cướp lộc như những năm trước.
Phần hội diễn ra sôi động với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và trò chơi dân gian như: thi đấu vật, bóng chuyền hơi, đi cà kheo, kéo co, đập niêu, đi cầu thăng bằng và đặc biệt là hội thi nấu cơm. Ngoài ra, lễ hội còn có các gian hàng quảng bá sản phẩm OCOP, giới thiệu đặc sản địa phương và các tour du lịch văn hóa của Sóc Sơn và Hà Nội.
Ban tổ chức lễ hội năm nay đã tăng cường công tác an ninh, quản lý chặt chẽ các dịch vụ trông giữ xe, kinh doanh, đồng thời nghiêm cấm các hình thức buôn bán hàng giả, mê tín dị đoan và trò chơi cờ bạc trá hình. Đặc biệt, công tác vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ và giữ gìn nếp sống văn minh nơi thờ tự được chú trọng, tạo nên một lễ hội an toàn, trật tự và đầy ý nghĩa.
Lễ hội Gióng đền Sóc 2025 không chỉ là một sự kiện văn hóa tâm linh quan trọng mà còn góp phần quảng bá nét đẹp truyền thống, thúc đẩy du lịch địa phương và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đây là sự kiện văn hóa tâm linh quan trọng nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Đức Thánh Gióng - vị anh hùng huyền thoại có công dẹp giặc, mang lại thái bình cho dân tộc Việt Nam. Lễ hội đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
* Sáng cùng ngày, lễ hội Cổ Loa Ất Tỵ 2025 diễn ra trong không khí cả nước “Mừng Đảng - mừng Xuân Ất Tỵ”, chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ sáng sớm, hoạt động rước và dâng hương diễn ra trong không khí tươi vui. Lễ hội tái hiện những nghi lễ dân gian truyền thống thông qua nghi thức rước kiệu bát xã Loa Thành tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa.
Sau nghi thức dâng hương, tế lễ là nghi lễ nghênh rước kiệu vua An Dương Vương và rước kiệu của bát xã Loa Thành. Lễ hội Cổ Loa có quy mô, lịch sử hình thành từ lâu đời, tổ chức trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Hàng năm, lễ hội thu hút hàng ngàn người tham dự.