Ghi nhận của PV báo SGGP, khoảng 17 giờ, người dân và du khách đổ về khu vực khán đài Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng tại đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà).
Tại sát bờ sông đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà), người dân tập trung ở khu vực bờ sông Hàn để "xí chỗ" xem pháo hoa.
Cùng gia đình di chuyển bằng xe ô tô từ TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) vào TP Đà Nẵng để xem pháo hoa, chị Nguyễn Lan Hương (35 tuổi) cho biết, dù đã tìm mua vé khán đài cho đêm chung kết, song nhiều nơi đều trong tình trạng “cháy vé”. Vậy nên từ sớm, cả gia đình chị mang theo đồ ăn thức uống và kiếm được vị trí sát bờ sông để chờ màn trình diễn.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Nhân (29 tuổi, trú quận Thanh Khê) cho biết, màn thể hiện của đội pháo hoa đến từ Trung Quốc và Phần Lan trong đêm trình diễn thứ 4 đã tạo ấn tượng mạnh đối với hàng ngàn người dân và du khách.
Vì vậy, người dân Đà Nẵng cũng muốn tận mắt xem màn tranh tài của hai đội vừa qua. Dù đã tìm mua vé khán đài cho đêm chung kết, song nhiều nơi đều trong tình trạng “cháy vé”.
Lực lượng chức năng cũng có mặt để điều tiết giao thông, tránh ùn tắc giờ cao điểm và đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực xung quanh khán đài.
Đêm chung kết đầy kịch tính giữa hai "kỳ phùng địch thủ" đến từ Trung Quốc và Phần Lan đã biến Đà Nẵng trở thành điểm đến “nóng” du lịch bậc nhất cả nước trong dịp này.
Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trong 3 ngày từ 11 đến 13-7, TP Đà Nẵng ghi nhận 455 chuyến bay đến Đà Nẵng. Trong ngày 13-7, có khoảng 147 chuyến bay đến Đà Nẵng, khoảng 7.500 - 8.000 khách đến Đà Nẵng bằng đường tàu hỏa.
Các cơ sở lưu trú đã phục vụ ước khoảng 90.017 lượt khách, trong đó có khoảng 30.970 lượt khách quốc tế. Công suất buồng phòng toàn TP Đà Nẵng gần như đạt mức tối đa, với tỷ lệ lấp đầy lên đến 95%. Công suất các tàu du lịch đạt 100%.