Hàng ngàn mái ấm nghĩa tình tặng đồng bào Khmer khó khăn

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, mặt trận đoàn thể, lực lượng vũ trang các cấp ở vùng ĐBSCL đã dành sự quan tâm đặc biệt, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc Khmer khó khăn; qua đó giúp bà con an cư lạc nghiệp, thoát nghèo bền vững, vươn lên phát triển cuộc sống.

Niềm vui trong căn nhà mới

Sóc Trăng là tỉnh có đồng bào Khmer sinh sống nhiều nhất cả nước, với hơn 362.000 người, chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh. Với tinh thần tương thân tương ái, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Tỉnh ủy - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã huy động nhiều nguồn lực xã hội để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào Khmer khó khăn về nhà ở. Cụ thể, giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh đã vận động hỗ trợ xây dựng 5.248 căn nhà cho hộ nghèo, với tổng kinh phí hơn 280 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.870 hộ đồng bào Khmer được bàn giao mái ấm mới.

h3c-4728.jpg
Lãnh đạo Bộ Công an và tỉnh Sóc Trăng bàn giao nhà cho hộ Khmer khó khăn về nhà ở. Ảnh: Tuấn Quang

Ghé thăm hộ ông Kim Sol (58 tuổi, dân tộc Khmer, ngụ xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), chúng tôi cảm nhận được niềm vui của chủ nhân căn nhà vừa được địa phương hỗ trợ xây dựng mới. Dẫn chúng tôi tham quan căn nhà mới, ông Kim Sol phấn khởi: “Trước đây, nhà tôi cũ kỹ, hư hỏng nhưng không có tiền sửa chữa. Hai vợ chồng tôi sống với 2 đứa cháu nhưng chỉ có 2 công ruộng, tôi phải làm thêm nghề xe ôm để kiếm tiền mua gạo, đâu dám mơ đến căn nhà mới. May nhờ có các cấp chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, tôi mới có căn nhà kiên cố như thế này”.

Tại huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh), những ngày qua, gia đình ông Thạch Sa Rinh cũng “vui như tết” khi được Quỹ An sinh xã hội tỉnh Trà Vinh làm lễ trao tặng căn nhà mới. Ông Thạch Sa Rinh là một trong số hơn 100 hộ đồng bào Khmer khó khăn về nhà ở của huyện Cầu Ngang được Quỹ An sinh xã hội tỉnh Trà Vinh phối hợp Bộ Công an tặng nhà Đại đoàn kết trong đợt này. Mỗi căn nhà có tổng kinh phí xây dựng 65 triệu đồng; trong đó, nguồn vốn do Bộ Công an vận động các doanh nghiệp hỗ trợ là 50 triệu đồng/căn, Quỹ An sinh xã hội tỉnh hỗ trợ 15 triệu đồng/căn. “Được ở trong căn nhà mới ấm áp, do chính tay cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên ở địa phương xây dựng, hoàn thiện và trang trí, gia đình tôi thấy rất ấm lòng”, ông Thạch Sa Rinh tâm sự.

Trong tháng 10-2024, Tỉnh ủy Trà Vinh đã phối hợp Bộ Công an bàn giao 1.300 căn nhà tặng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí hơn 84 tỷ đồng; trong đó 65 tỷ đồng do Bộ Công an vận động, còn lại từ nguồn “Quỹ an sinh xã hội” của tỉnh Trà Vinh đối ứng.

Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo các cấp tỉnh Sóc Trăng, cho biết, qua 2 đợt phát động, tỉnh đã nhận được sự đồng hành, ủng hộ từ đông đảo cộng đồng, doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Những hỗ trợ kịp thời về nhà ở đã góp phần tiếp sức, tạo thêm động lực để hộ nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào Khmer, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 8.521 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo đồng bào Khmer chiếm 4%. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2%/năm, riêng tỷ lệ hộ đồng bào Khmer nghèo giảm 3%/năm.

Quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Ngày 6-11, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức phát động triển khai thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 3.995 căn (xây mới 3.253 căn và sửa chữa 742 căn) cần được hỗ trợ. Cụ thể, mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/căn đối với xây mới và 25 triệu đồng/căn đối với sửa chữa, dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 180 tỷ đồng; đối tượng thụ hưởng là hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số (phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer) trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, tỉnh quyết tâm đẩy mạnh triển khai hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn đến năm 2025, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đối với nguồn lực triển khai, tỉnh sẽ chủ động huy động nguồn lực xã hội hóa kết hợp với nguồn lực của Nhà nước để chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn, nhất là đồng bào Khmer.

Ông Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh, cho hay, trong 9 tháng qua, từ nguồn kinh phí vận động của Bộ Công an và nguồn Quỹ An sinh xã hội, tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ xây dựng, hoàn thành trên 3.200 căn nhà Đại đoàn kết, với tổng kinh phí hơn 180 tỷ đồng. Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành việc bàn giao gần 1.900 căn nhà còn lại cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, đảm bảo người dân được nhận nhà trước dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đón một cái Tết ấm áp, ý nghĩa.

Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng, thông tin, trong đợt thực hiện cao điểm thi đua 450 ngày đêm xóa nhà tạm và nhà dột nát trong cả nước, tỉnh Sóc Trăng được Trung ương phân bổ 280 tỷ đồng. Với số tiền này, tỉnh Sóc Trăng sẽ triển khai hỗ trợ xây dựng từ 5.000-6.000 căn nhà, đảm bảo mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát cho người dân, phần lớn là các hộ đồng bào Khmer khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Tin cùng chuyên mục