Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, TP hiện có 24 siêu thị, 44 trung tâm thương mại, hơn 2.300 cửa hàng tiện lợi, với tổng doanh thu của ngành bán lẻ đạt hàng trăm ngàn tỷ đồng/năm. Tuy vậy, hệ thống phân phối hiện đại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, nhưng được trao nhiệm vụ quan trọng trong việc định hướng, dẫn dắt thị trường, giải quyết trực tiếp vấn đề “nóng” cho người tiêu dùng đó là đưa thực phẩm sạch lên quầy kệ (đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác)… Thời gian qua, sở thường xuyên phối hợp với các nhà vườn ở nhiều địa phương thực hiện chuỗi sản xuất thực phẩm sạch từ nông trại đến bàn ăn.
Xuyên suốt chương trình cũng đã diễn ra hội thảo bàn về vai trò của nhà bán lẻ đối với an toàn vệ sinh thực phẩm, cách phân biệt thực phẩm sạch, xu hướng “Từ ăn sạch, tới sống xanh”.
Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp… đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho người tiêu dùng trong bối cảnh đụng đâu cũng bắt gặp thực phẩm trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay.
Chẳng hạn như, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP, khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm sạch tại các cửa hàng, siêu thị uy tín, khu vực nhà lồng các chợ truyền thống (không mua khu vực rìa chợ)…
Hoặc như BS Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP chia sẻ sâu hơn về các biện pháp nâng cao chất lượng dinh dưỡng bữa ăn, cách phân biệt thực phẩm sạch, thực phẩm mất an toàn…
Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời mang đến nhiều thông tin bổ ích về an toàn vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng đúng cách, bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và gia đình.
Sự kiện thu hút hàng ngàn lượt người tham dự, nhất nhất là phụ nữ.
Đông đảo khách mời, chị em nội trợ tham dự sự kiện