Theo người dân địa phương, đàn chim trời này có số lượng lên đến hàng ngàn con, di cư về trú ngụ trên địa bàn. Sau đó, chúng bất ngờ sà xuống các thửa ruộng vừa gieo sạ và ăn sạch hạt lúa mầm giống đang phát triển.
Hàng loạt thửa ruộng khi gặp phải đàn chim trời này chỉ trong một thời gian ngắn đều bị hư hỏng, không còn hạt lúa nào. Thậm chí, trước lúc bay đi, chúng còn để lại trên bề mặt ruộng chi chít những dấu chân chim, người dân buộc phải ngâm ủ lúa giống mới để gieo lại từ đầu.
Theo ông Trần Quốc Thế (thôn trưởng thôn 4, xã Điền Mỹ), hiện tượng đàn chim trời sà xuống phá hoại ruộng lúa chủ yếu diễn ra vào khoảng thời gian từ 4 đến hơn 5 giờ sáng. Các năm trước đây, khi ruộng lúa mới được gieo sạ thì đàn chim trời cũng thường xuất hiện phá hoại nhưng với số lượng ít và thiệt hại nhẹ hơn.
Tuy nhiên, đợt này, số lượng đàn chim trời xuất hiện tăng lên đến hàng ngàn con, gây thiệt hại nặng nề hơn so với trước. Thời gian qua, ban cán sự thôn cũng đã có thông báo đến bà con nhân dân làm các vật dụng, dựng cây nêu để xua đuổi đàn chim trời, thậm chí, trong đêm tối và sáng sớm, huy động người ra bờ ruộng xua đuổi, chứ không còn biện pháp nào khác.
Ông Hoàng Xuân Tần, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Điền Mỹ, cho biết, đàn chim trời này không rõ di cư từ đâu về địa phương, đã phá hoại nhiều hécta ruộng lúa sản xuất vụ Xuân của người dân. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là ở địa bàn các thôn 4, 5, Trung Tiến và rải rác ở một số thôn khác. Địa phương cũng đã có báo cáo sự việc lên cấp trên.
>> Một số hình ảnh đàn chim trời phá hoại ruộng lúa của người dân: