Nhiều nơi vẫn cúp điện diện rộng
Trong ngày 8-6, nhiều khu vực ở ngoại thành Hà Nội và tại các tỉnh Thái Nguyên, Thái Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Nghệ An, Hải Phòng… tiếp tục bị cúp điện luân phiên do thiếu điện nghiêm trọng. Trên địa bàn Hà Nội, hàng loạt khu vực như huyện Thanh Oai, thị xã Sơn Tây, quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ… cúp điện theo kế hoạch thông báo trước. Song, cũng có khu vực cúp điện không báo trước khiến người dân bức xúc. Khu vực sản xuất cũng mất điện. Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, việc cắt điện nhằm đảm bảo an toàn vận hành hệ thống trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.
Tắt biển quảng cáo hưởng ứng kêu gọi tiết kiệm điện tại thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai (Hà Nội) |
Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, về cơ bản, do cúp luân phiên nên những khu vực đã cúp điện vào hôm trước sẽ không cúp hôm sau. Song, cũng có địa phương như tỉnh Hòa Bình, một số khu vực cúp điện liên tục nhiều ngày, thời gian kéo dài 7-8 tiếng, đến đêm mới có điện trở lại.
Mặc dù 2-3 ngày qua, nhiều nơi có mưa cục bộ nhưng lượng nước về các hồ chứa thủy điện vẫn ở mức rất thấp nên điện vẫn tiếp tục bị tiết giảm. Cập nhật dữ liệu đến 15 giờ ngày 8-6, có 6/7 hồ thủy điện lớn ở miền Bắc vẫn phải đóng các tổ máy do đồng loạt xuống mực nước chết, chỉ còn hồ thủy điện Hòa Bình còn hoạt động. Đồng thời có thêm thủy điện Bản Vẽ ở Bắc Trung bộ cũng đã “ngấp nghé” mực nước chết (155m).
Nhà máy Thủy điện Sơn La (lớn nhất Đông Nam Á, tổng công suất 2.400MW) đã xuống dưới mực nước chết, thấp hơn mực nước dâng bình thường là 40,07m vào ngày 6-6. Đây là mức thấp nhất kể từ khi nhà máy này hoạt động đến nay. “Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12 hoặc 13-6”, Cục Điều tiết điện lực cho biết. Thủy điện ở miền Bắc chiếm tỷ trọng tới 43,6% công suất nguồn, nhưng hiện nay công suất khả dụng chỉ còn 3.110MW, tức chỉ đạt 23,7% công suất lắp máy.
Nhiệt điện “gánh” thay thủy điện
Dự báo nửa cuối tháng 6 và tháng 7, nắng nóng sẽ quay trở lại miền Bắc. Khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000MW vào ngày nắng nóng. Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN, công suất khả dụng ở miền Bắc chỉ hơn 17.000MW, trong khi, nếu nắng nóng, nhu cầu phụ tải lên tới 20.000MW. Dự báo, hệ thống điện miền Bắc đối mặt nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.
Thủy điện Sơn La đã xuống dưới mực nước chết, thấp hơn mực nước dâng bình thường 40,07m vào ngày 6-6 |
Trước tình trạng này, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cố gắng tăng huy động nhiệt điện để đẩy mực nước các hồ thủy điện lớn lên khỏi mực nước chết càng sớm càng tốt. Đồng thời tăng cường huy động các nhà máy điện tái tạo, đẩy nhanh tiến độ đưa các nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp vào vận hành. Đến nay, 18 nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với công suất 1.115,62MW (bao gồm các nhà máy vận hành thử nghiệm và vận hành thương mại) đã được huy động đưa điện lên lưới. Đại diện Công ty Mua bán điện thuộc EVN cho biết, đến ngày 7-6, có 66/85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp (tổng công suất 3.700MW) đã gửi hồ sơ đàm phán giá. Trong đó, 56/66 dự án đã chấp thuận giá tạm bằng 50% khung giá và 51/56 dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt giá và hợp đồng bổ sung.
Dữ liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, cập nhật đến 15 giờ 30 ngày 8-6, phụ tải tiêu thụ điện ở miền Bắc mức cao nhất chỉ có gần 17.000MW (bằng công suất khả dụng), nhưng thực tế nhiều nơi vẫn bị cúp điện do nguồn huy động từ thủy điện giảm mạnh, trong khi nguồn từ nhiệt điện than có giá thành rất cao, dẫn đến phải tiết giảm sản lượng.