Hàng loạt dự án ở “Mũi Né 2” đang “chết lâm sàng”

Dải đất ven biển của huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, nơi từng được kỳ vọng phát triển du lịch để trở thành “Mũi Né 2” của Việt Nam, hiện đang chứng kiến cảnh hàng chục dự án bất động sản nghỉ dưỡng bị bỏ hoang hoặc chậm triển khai, gây lãng phí nguồn tài nguyên.

Hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở vùng biển Kê Gà (tỉnh Bình Thuận) dù đã xây dựng hoàn thiện nhưng bị bỏ hoang
Hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở vùng biển Kê Gà (tỉnh Bình Thuận) dù đã xây dựng hoàn thiện nhưng bị bỏ hoang

Sở hữu bờ biển dài tuyệt đẹp, lại nằm ngay cửa ngõ du lịch trọng điểm phía Nam của tỉnh Bình Thuận, vùng đất có mũi Kê Gà nổi tiếng thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận từng thu hút rất nhiều chủ đầu tư tìm đến. Thời điểm đầu những năm 2000, hưởng ứng lời mời gọi đầu tư du lịch của UBND tỉnh Bình Thuận, nhiều doanh nghiệp đã ồ ạt đầu tư hàng loạt khu du lịch, resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp trên vùng đất này. Bất ngờ, vào năm 2008, Sở KH-ĐT tỉnh Bình Thuận thông báo chủ trương xây dựng cảng Kê Gà do Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư, các dự án đang đầu tư khi đó phải dừng lại toàn bộ để nhường đất xây dựng cảng.

Tuy nhiên, đến tháng 2-2013, nhận thấy dự án xây dựng cảng không hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngừng xây dựng cảng Kê Gà, giao các đơn vị liên quan phối hợp UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đến nay, đã gần 15 năm trôi qua, hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng nơi đây vẫn “dậm chân tại chỗ”, một số bị bỏ hoang, một số thì được cải tạo làm hàng quán tạm bợ, nhiều chủ dự án đã không quay lại để tiếp tục đầu tư.

Nhiều dự án đang bị bỏ hoang, hạ tầng xuống cấp trầm trọng dù hạ tầng xây dựng đã hoàn thiện, như Thế Giới Xanh, Đồi Phong Lan, Ánh Dương Resort... Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tính đến tháng 1-2024, trên địa bàn xã Tân Thành đang có 38 dự án du lịch còn hiệu lực, với tổng diện tích đăng ký đầu tư trên 700ha và tổng vốn đăng ký đầu tư gần 12.400 tỷ đồng. Trong đó, có 13 dự án đã kinh doanh, 11 dự án đang triển khai xây dựng và 14 dự án chưa triển khai.

Đại diện Sở KH-ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết, nguyên nhân các dự án chậm triển khai là do vướng mắc liên quan đến dự án cảng Kê Gà. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác, như công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian do phải thực hiện thủ tục xem xét tính pháp lý; chính sách giá đền bù thay đổi, chủ đầu tư và người dân không thỏa thuận được giá đền bù; tình trạng khiếu nại, tranh chấp đất đai chưa xử lý dứt điểm; công tác xác định giá đất còn chậm… Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư chưa tích cực triển khai dự án, năng lực tài chính không đảm bảo, có trường hợp cố tình kéo dài thời gian thực hiện để chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác.

Trước những bất cập, khó khăn nêu trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan bám sát, theo dõi chặt chẽ các dự án đang và chưa triển khai xây dựng; kiên quyết xử lý thu hồi các dự án có dấu hiệu “chết lâm sàng”, “chờ thời”, không để xảy ra tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt 1279 để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tin cùng chuyên mục