Hiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TPHCM đang rơi vào tình trạng thi công dang dở, chậm tiến độ, khiến nhiều dự án đội vốn so với kế hoạch ban đầu. SGGPO tổng hợp một số dự án "lỗi hẹn" tiêu biểu của thành phố.
Hiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TPHCM đang rơi vào tình trạng thi công dang dở, chậm tiến độ, khiến nhiều dự án đội vốn so với kế hoạch ban đầu. SGGPO tổng hợp một số dự án "lỗi hẹn" tiêu biểu của thành phố.
Dự án này được triển khai nhằm giảm ùn tắc và tạo thông thoáng cho giao thông ở khu vực cửa ngõ Đông Bắc TPHCM.
Tuyến đường nâng cấp, mở rộng dài khoảng 15,7km, có điểm bắt đầu từ chân cầu Sài Gòn đến điểm cuối tiếp giáp cầu Đồng Nai. Được khởi công vào tháng 4-2010 do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) làm chủ đầu tư. Nhưng sau 8 năm dự án vẫn còn ngổn ngang cát, đá, cống thoát nước...
Theo CII lý do dự án chậm là do: công tác bàn giao mặt bằng thi công. Cụ thể, ở khu vực quận 2, 9, Thủ Đức (TPHCM) vẫn còn 28 hộ dân và 1 tổ chức chưa di dời; tỉnh Bình Dương: còn 2,44 km chưa giải tỏa xong. Thêm vào đó, một số khu vực trùng lắp với các nhà ga tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên cũng chưa được ban quản lý dự án này bàn giao mặt bằng thi công.
Giám đốc Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội Nguyễn Thanh Nam cho biết, đến nay dự án đã thi công đạt 75% khối lượng và đã giải ngân được khoảng 2.617 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án khoảng hơn 2.500 tỷ đồng nhưng do thời gian thi công kéo dài, dự án phải điều chỉnh và bổ sung vài hạng mục, nay tăng lên 4.905 tỷ đồng. UBND TPHCM cũng đã phải chấp thuận điều chỉnh thời gian hoàn thành công trình vào cuối năm 2018, chậm 5 năm so với kế hoạch ban đầu.
Thêm vào đó, CII đang lo dự án còn bị chậm vì dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên kéo giãn tiến độ để chờ cấp vốn.
Đường Võ Văn Kiệt được đưa vào sử dụng từ năm 2009. Đây là trục đường xuyên tâm quan trọng của TPHCM giúp kết nối miền Tây với Đông Nam bộ. Thế nhưng từ nhiều năm qua, trục này thường xuyên bị nghẽn ở ngay cửa ngõ An Lạc phía Tây TPHCM, vì đoạn cuối của đường Võ Văn Kiệt bị “khóa” do chưa nối thông được với đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Nhằm gỡ điểm khóa này, năm 2015, đoạn 2,7km nối tuyến đường Võ Văn Kiệt với đường cao tốc TPHCM - Trung Lương (giai đoạn 1) được khởi công xây dựng với dự định sẽ hoàn thành sau 20 tháng thi công. Song đến nay đã hơn 3 năm, công trình vẫn còn ngổn ngang, thi công manh mún vì vướng mặt bằng.
Toàn bộ dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài nằm trên địa bàn xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) với diện tích giải tỏa hơn 29ha.
Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, đến nay việc giải tỏa, bàn giao mặt bằng chỉ đạt khoảng 80%, tương ứng 200/250 hộ dân đã di dời.
Trong khi đó, theo chủ đầu tư, mặc dù mặt bằng bàn giao 80% nhưng theo kiểu da beo, manh mún nên không thi công được. Một số nhà dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng đã không cho đơn vị làm đường công vụ để đưa máy móc thiết bị vào công trường thi công.
Đường Vành đai 2 có chiều dài 64km, từ nút giao thông cầu vượt Gò Dưa (QL1, Q.Thủ Đức) - nút giao thông cầu vượt Bình Phước (giao với QL13) - nút giao thông An Sương (giao với QL22) - ngã ba An Lạc (QL1 giao với đường Hồ Học Lãm) - đường Phú Định - Nguyễn Văn Linh (giao với đường Trịnh Quang Nghị) - cầu Phú Mỹ - cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía đông - ngã tư Bình Thái (trên xa lộ Hà Nội) - ngã ba Linh Đông (giao với đường Phạm Văn Đồng) - nút giao Gò Dưa.
Đây là tuyến đường quan trọng của thành phố nhưng hiện vẫn còn 14 km chưa được khép kín, bao gồm 8km ở phía quận 9, Thủ Đức và 6km ở phía quận 8, huyện Bình Chánh do còn vướng bồi thường giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa đang triển khai thi công, hiện thành phố vẫn đang tiếp tục kêu gọi đầu tư các đoạn từ vòng xoay An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh; đoạn từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức). Mục tiêu của thành phố là sẽ khép kín toàn tuyến này trước năm 2020.
SGGPO - Thiết kế: HỮU VI. Ảnh: CAO THĂNG - QUỐC HÙNG