Điệp khúc vướng mặt bằng
Dự án mở rộng, nâng cấp xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 được triển khai thực hiện nhằm giảm ùn tắc và tạo thông thoáng cho giao thông ở khu vực cửa ngõ Đông Bắc thành phố. Tuyến đường được nâng cấp, mở rộng dài khoảng 15,7km, bắt đầu từ chân cầu Sài Gòn đến điểm cuối là tiếp giáp với cầu Đồng Nai.
Công trình được khởi công vào tháng 4-2010 do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) làm chủ đầu tư. Thế nhưng đã 8 năm trôi qua, theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, hiện trạng công trình nhiều nơi vẫn ngổn ngang cát, đá, cống thoát nước…, đặc biệt ở khu vực gần cuối tuyến.
Theo CII, việc chậm trễ là do công tác bàn giao mặt bằng thi công cho nhà thầu của các địa phương quá chậm, kéo dài so với thời gian dự kiến trong hợp đồng BOT, nhất là đoạn trên địa bàn quận 9 và tỉnh Bình Dương. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn 2,4km chưa giải tỏa xong; tại TPHCM, các quận 2, 9, Thủ Đức còn 28 hộ dân và 1 tổ chức chưa di dời. Ngoài ra, một số khu vực trùng lắp với các nhà ga tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên cũng chưa được ban quản lý dự án này bàn giao mặt bằng thi công.
Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, đến nay việc giải tỏa, bàn giao mặt bằng chỉ đạt khoảng 80%, tương ứng 200/250 hộ dân đã di dời. Theo chủ đầu tư, mặc dù mặt bằng bàn giao 80% nhưng theo kiểu da beo, manh mún nên không thi công được. Một số nhà dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng đã không cho đơn vị làm đường công vụ để đưa máy móc thiết bị vào công trường thi công.
Trong khi đó, tuyến đường Vành đai 2 cũng chưa được khép kín do còn vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. Đường Vành đai 2 có chiều dài 64km, là tuyến đường quan trọng của thành phố nhưng hiện vẫn còn 14 km chưa được khép kín, bao gồm 8km ở phía quận 9, Thủ Đức và 6km ở phía quận 8, huyện Bình Chánh.
Ngoài đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa đang triển khai thi công, hiện thành phố vẫn đang tiếp tục kêu gọi đầu tư các đoạn từ vòng xoay An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh; đoạn từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức). Mục tiêu của thành phố là sẽ khép kín toàn tuyến này trước năm 2020.
Đội vốn
Giám đốc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội Nguyễn Thanh Nam cho biết, đến nay dự án nâng cấp và mở rộng xa lộ Hà Nội thi công đạt 75% khối lượng và đã giải ngân được khoảng 2.617 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án khoảng hơn 2.500 tỷ đồng nhưng do thời gian thi công kéo dài, dự án phải điều chỉnh và bổ sung vài hạng mục, nay tăng lên 4.905 tỷ đồng. UBND TPHCM cũng đã phải chấp thuận điều chỉnh thời gian hoàn thành công trình vào cuối năm 2018, chậm 5 năm so với kế hoạch ban đầu.
Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn vì vướng giải tỏa, CII đang lo dự án mở rộng xa lộ Hà Nội còn bị chậm vì dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên kéo giãn tiến độ để chờ cấp vốn. Hai dự án này có nhiều hạng mục “chồng lấn” (cùng một mặt bằng thi công, hạng mục của tuyến metro đi trên cao còn hạng mục của dự án mở rộng xa lộ Hà Nội dưới mặt đất - PV). Do vậy, tiến độ thực hiện dự án nâng cấp và mở rộng xa lộ Hà Nội phụ thuộc không ít vào tiến độ xây dựng tuyến metro số 1, đặc biệt ở khu vực quận 2, quận 9.
Thiếu vốn ngân sách, đặc biệt là việc tạm dừng xem xét, đề xuất các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) trong hơn 10 tháng qua tại TPHCM cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho việc thực hiện kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông của thành phố gặp khó. Vừa qua, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực phía Đông thành phố, giảm kẹt xe cho khu cảng Cát Lái, Khu Công nghệ cao và nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp ở đây, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương cho phép các dự án đầu tư được triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Cụ thể là dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ đường 990 đến nút giao Vành đai 2), dự án nạo vét tuyến sông Tắc (quận 9), xây mới cầu Trường Phước và mở rộng đường Trần Đại Nghĩa (từ nút giao với quốc lộ 1 đến ranh tỉnh Long An). |
Đánh giá chung, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Nguyễn Văn Tám cho rằng, cơ bản tiến độ thi công nhiều công trình giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố trong năm 2018 chưa được như mong muốn, chưa theo được kế hoạch đặt ra. Tình trạng chung hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng chậm, vướng nhiều khó khăn nên chưa có mặt bằng để tổ chức thi công dẫn đến nhiều dự án trễ hẹn. Thời gian thi công kéo dài gây tốn kém cho chủ đầu tư cũng như các đơn vị thi công.
Hiện TPHCM đang hoàn thiện quy trình phối hợp thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng giữa các đơn vị liên quan. Hy vọng đây sẽ là giải pháp khả thi để giải quyết khó khăn vướng mặt bằng thi công cho các dự án xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung và giao thông nói riêng.