Tuy nhiên, theo số liệu mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cập nhật đến ngày 29-10, mới có 42/106 nhà máy điện gió với công suất 2.131,3MW được công nhận vận hành thương mại. Dự báo sẽ có nhiều nhà máy trong số 64 dự án còn lại không kịp tiến độ công nhận COD, có nghĩa sẽ vuột mất cơ hội được hưởng cơ chế mua - bán điện ưu đãi với EVN.
Theo phản ánh của các chủ đầu tư, nguyên nhân chính của sự chậm trễ là do dịch bệnh, giãn cách xã hội nên nhiều dự án tại khu vực phía Nam bị chậm tiến độ. Trước kiến nghị của nhiều nhà đầu tư nên gia hạn cho các dự án xây dựng dở trong dịch Covid-19, không kịp vận hành trước ngày 31-10, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng cho biết, Bộ Công thương sẽ đề xuất cơ chế xử lý chuyển tiếp cho số dự án này nhưng cũng không áp dụng giá FIT.
Bộ sẽ đề xuất cơ chế xử lý trên nguyên tắc chi phí, vốn đầu tư, vận hành bảo dưỡng nhà máy... để chủ đầu tư thương thảo với bên mua điện, nhằm xác định giá mua điện. Riêng với các dự án bắt đầu xây dựng sau ngày 31-10-2021 thì bắt buộc áp dụng cơ chế đấu thầu giá điện gió. Theo đó, chủ đầu tư sẽ thương thảo giá bán với bên mua điện theo khung giá Bộ Công thương quy định.