Ngày 24-5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với nhiều địa phương, đơn vị và nhà đầu tư liên quan đến các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên và khí thiên nhiên hóa lỏng LNG.
Tại cuộc họp, các đơn vị liên quan báo cáo, những dự án nhiệt điện khí này thuộc danh mục dự án đầu tư trọng điểm theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII mà Bộ Công thương xây dựng và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Thế nhưng đến nay, hầu hết các dự án điện khí đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư vẫn chưa có sự chuyển động đáng kể.
Đặc biệt, theo ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, tính đến thời điểm hiện tại, 3 dự án điện khí là Cà Ná, Nghi Sơn và Quỳnh Lập với tổng công suất 4.500MW vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư.
Bộ Công thương cũng cho biết, một số dự án nhiệt điện khí khác như Hải Lăng giai đoạn 1, Quảng Ninh vẫn chưa hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi (FS); các dự án LNG Bạc Liêu, Hiệp Phước giai đoạn 1, Ô Môn 2 chưa hoàn thành đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA); dự án Long An I và II chưa hoàn thành điều chỉnh chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt FS; còn hai dự án BOT Sơn Mỹ I, BOT Sơn Mỹ II thì chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện FS theo quy định để đủ điều kiện phê duyệt.
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các dự án điện sử dụng khí và LNG có tầm quan trọng đặc biệt vì đây là nguồn điện nền và phát thải carbon thấp. Thời gian qua, Bộ Công thương đã tích cực chỉ đạo triển khai các dự án này. 3/4 trong số 21 dự án đã có từ Quy hoạch điện VII. Bộ Công thương đã nhiều lần làm việc với các địa phương và nhà đầu tư để thảo luận, tháo gỡ vướng mắc.
Tuy nhiên, đến nay hầu hết các dự án bị chậm tiến độ. Nếu điều này tiếp tục diễn ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh năng lượng, nguy cơ vỡ Quy hoạch điện VIII. Bộ trưởng Bộ Công thương đã phân loại dự án của các tỉnh, thành thành các giai đoạn: chưa lựa chọn được chủ đầu tư và đang triển khai để từ đó có những chỉ đạo cụ thể, chi tiết về tiến độ trong thời gian tới.
Tham dự cuộc họp này có Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Công thương địa phương, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Pháp chế, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và đại diện 15 tỉnh, thành phố liên quan...