Ngành chức năng tỉnh Đồng Nai và Long An đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan sang người và các loài vật nuôi khác.
KDL Vườn Xoài Đồng Nai nuôi 6 loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và 34 loài động vật không thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Trong đó có 42 con hổ, 2 con báo nhập từ châu Phi.
Tuy nhiên, từ ngày 8 đến ngày 22-9 có 20 con hổ và 1 con báo đen trọng lượng từ 80-100kg chết không rõ nguồn gốc lây bệnh. Cơ quan chức năng lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus A/H5N1 (dịch cúm). Các cơ quan chuyên môn xác nhận, lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện dịch cúm trên hổ, báo nhưng nguồn gốc lây bệnh chưa được xác định.
Cùng thời gian trên, tại Vườn thú Mỹ Quỳnh (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) có 30 con hổ và sư tử chết; kết quả xét nghiệm cũng cho thấy nhiễm virus cúm A/H5N1. Trong 27 con hổ chết có 3 con mới nhập từ KDL Vườn Xoài. Đáng chú ý, Vườn thú Mỹ Quỳnh nhập hổ từ KDL Vườn Xoài nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh của Đồng Nai.
Để tránh lây lan dịch bệnh, cơ quan chức năng đã tổ chức khử trùng, tiêu độc các khu vực nuôi hổ bị nhiễm bệnh, khu trữ đông xác động vật chết. Ngày 3-10, Chi cục Chăn nuôi - Thú ý tỉnh Đồng Nai cùng các đơn vị liên quan cùng các lực lượng chức năng đã tiêu hủy toàn bộ số hổ, báo đã chết bằng cách đốt rồi chôn lấp ngay trong khuôn viên KDL Vườn Xoài.
Tại Long An, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An đề nghị, Công ty CP Vườn thú Mỹ Quỳnh không mở cửa cho khách tham quan khu nuôi thú cho đến khi hết dịch bệnh; tiếp tục theo dõi các con hổ còn lại trong đàn, cách ly con bệnh, thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng liên tục, hạn chế cho người tiếp xúc với động vật tại vườn thú và nười chăm sóc phải được trang bị đầy đủ bảo hộ.
Cục Thú y vừa có công văn số 2274/TY- DT đề nghị Sở NN- PTNT tỉnh Đồng Nai chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm hổ, báo chết gửi đến Chi cục Thú y vùng VI hoặc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm, phân tích chuyên sâu nguyên nhân, điều tra dịch tễ các ca bệnh trên động vật hoang dã, truy xuất nguồn thức ăn, nguồn gốc động vật.