Buôn lậu giảm do chính sách Zero Covid
Dù đã giáp Tết Nguyên đán 2023 nhưng khu vực Cửa khẩu Tân Thanh (ở huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) tiếp giáp với chợ Pò Chài (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) khá vắng vẻ. Hầu hết các kiot xung quanh trung tâm thương mại hữu nghị nằm bên cạnh cửa khẩu “cửa đóng then cài”, trong khi, tại chợ trung tâm Tân Thanh và Trung tâm thương mại Hồng Công cách cửa khẩu khoảng 200m cũng chỉ có vài chục cửa hàng hoạt động. Quầy nào cũng đầy ắp hàng hóa tiêu dùng, đồ điện tử, quần áo, giày dép và một số đồ uống, tất cả đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Các chủ hàng liên tục mời chào mua hàng, thậm chí một số chủ hàng còn không ngần ngại gợi ý cho chúng tôi những loại hàng cấm như pháo nổ và công cụ hỗ trợ nếu như có nhu cầu.
Trái với không khí ảm đảm tại khu vực chợ trung tâm Tân Thanh là Bãi xe Tân Thanh của Công ty cổ phần Bảo Nguyên lại vô cùng nhộn nhịp với khoảng 400-500 chuyến xe container chở hàng hóa xuất nhập khẩu liên tục ra vào bãi mỗi ngày.
Lực lượng Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tuần tra, kiểm soát cuối năm |
Theo ông Phùng Văn Ba, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, suốt gần 3 năm qua Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid, đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc được phía bạn rào kín với tường rào cao 3-4m có cảm ứng nhiệt, camera, loa phóng thanh và nhiều chốt kiểm soát nên tình trạng cư dân biên giới buôn lậu, mang vác, vận chuyển trái phép hàng hóa qua các đường mòn, lối mở ở biên giới dịp sát tết hầu như không còn. Phương tiện chở hàng xuất khẩu qua lại biên giới cũng phải qua rất nhiều công đoạn kiểm tra phức tạp.
Người đưa phương tiện xuất cảnh qua lại biên giới chỉ được ngồi trong cabin xe và dán niêm phong để kéo hàng về.
“Trước đây, ở biên giới cứ 50m có một chiếc lán do phía Trung Quốc quản lý. Họ trang bị hệ thống loa, đèn sáng nên gần như việc buôn lậu là không có. Chúng tôi ở đây chủ yếu tuần tra, nắm tình hình”, ông Ba chia sẻ nhưng cũng thẳng thắn cho rằng, hàng lậu và hàng gian lận thương mại vẫn được đưa vào trong nội địa dưới nhiều phương thức và thủ đoạn rất tinh vi.
Không ít xe chở hàng xuất khẩu sau khi quay về có cất giấu hàng lậu |
Thống kê trong năm 2022, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 4.842 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (bằng 73,89% so với năm 2021). Trong đó, riêng 3 tháng cuối năm 2022, lực lượng hải quan ở các cửa khẩu của Lạng Sơn đã phát hiện 189 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong khi đó, dù dọc biên giới được rào kín nhưng qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng biên phòng Lạng Sơn đã bắt giữ 19 vụ hàng cấm, hàng lậu với trị giá hàng hóa vi phạm trên 1,3 tỷ đồng, qua đó khởi tố 11 vụ với 15 đối tượng.
Lợi dụng chính sách và công nghệ
Với việc mới đây phía Trung Quốc bắt đầu dỡ bỏ chính sách Zero Covid, việc buôn lậu hàng hóa, gian lận thương mại, hàng giả sẽ có chiều hướng gia tăng, phức tạp và tinh vi hơn.
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Lạng Sơn, Tết Nguyên đán 2023 đang tới gần, nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng tăng cao nên lợi dụng việc này không ít doanh nghiệp đang đẩy mạnh nhập khẩu một số mặt hàng có nhu cầu lớn để tung ra thị trường.
Khu vực các tiểu thương kinh doanh gần Cửa khẩu Tân Thanh |
Qua các vụ việc bị phát hiện cho thấy, tình trạng gian lận thương mại và buôn lậu không chỉ phức tạp mà ngày càng tinh vi. Không ít doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng trong việc thông quan điện tử để khai báo sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số, trị giá hàng hóa, xuất xứ; cài cắm hàng lậu, hàng trái phép vào xe container chở hàng nhập vào Việt Nam.
Đặc biệt là việc lợi dụng thương mại điện tử, hàng hóa vận chuyển theo hình thức vận chuyển độc lập, chuyển phát nhanh để gian lận thương mại và trốn thuế. Ông Vy Mạnh Hồng, Phó Trưởng Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt (tỉnh Lạng Sơn), cho biết, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn phức tạp.
“Dân buôn lậu thay đổi đường đi, có thể chuyển hàng bằng chuyển phát nhanh, hệ thống shoppee, hoặc có thể mở tờ khai chuyển thẳng hàng về Hà Nội bằng đường sắt hoặc máy bay, rồi hàng từ Hà Nội được đưa đi các tỉnh, thành khác tiêu thụ…”, ông Hồng chia sẻ và cho biết, bây giờ không còn hàng lậu nữa mà gọi là hàng gian lận thương mại.
Hàng gian lận thương mại rất khó phát hiện, bởi các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn khác. “Có người khẳng định với tôi là luôn có hàng lậu chuyển về xuôi, không bao giờ đi qua trạm Dốc Quýt, các anh “có mơ” cũng không bắt được”, ông Hồng chia sẻ.
Khu vực chợ cạnh cửa khẩu Tân Thanh im ắng dịp cuối năm |
Ông Vũ Tuấn Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, đơn vị đã chỉ đạo đội kiểm soát hải quan, các chi cục hải quan cửa khẩu tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tập trung kiểm soát các nhóm mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Trong khi đó, Thượng tá Vi Văn Cẩn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hữu nghị cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, trước, trong và sau tết, cán bộ, chiến sĩ của đồn phối hợp với các lực lượng chức năng khác tiếp tục nắm chắc địa bàn, duy trì thường xuyên quân số trực tại các lán trên tuyến biên giới; tăng cường tuần tra kiểm soát chặt các đường mòn, khu vực cửa khẩu, không để hình thành các kho cất trữ hàng lậu tại khu vực cửa khẩu; phối hợp với chính quyền các xã biên giới tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới không tiếp tay, vận chuyển hàng lậu cho các đối tượng buôn lậu.