Hàng không Việt nỗ lực giảm phát thải

Ngành hàng không Việt Nam đang nỗ lực thực hiện đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26). Tuy nhiên, lộ trình này không hề dễ dàng trong bối cảnh ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp hàng không trong nước nói riêng còn nhiều khó khăn.

Các bộ phận kỹ thuật sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) chuẩn bị cho chuyến bay kế tiếp. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các bộ phận kỹ thuật sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) chuẩn bị cho chuyến bay kế tiếp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Những động thái tích cực

Theo thông tin từ Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA), giảm phát thải bằng 0 (Net Zero) là mục tiêu lớn mà 320 hãng hàng không thành viên thuộc IATA hướng đến. Tại Việt Nam, 3 hãng hàng không lớn là thành viên IATA gồm Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airlines nên cũng đang theo đuổi mục tiêu Net Zero.

Từ năm 2018, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã áp dụng giải pháp single engine taxiing (lăn bánh một động cơ) để giảm tiếng ồn tại sân bay và giảm nhiên liệu tiêu thụ, từ đó giảm phát thải. Phó Giám đốc Vietnam Airlines Đặng Anh Tuấn cho biết, sau 5 năm áp dụng giải pháp này, Vietnam Airlines đã giảm được hơn 4.000 tấn CO2. Đồng thời, việc đầu tư máy bay mới cũng giúp hãng đạt những kết quả khả quan trong mục tiêu giảm phát thải. Hiện đội bay của hãng đạt gần 100 chiếc, trong đó, đội máy bay thân rộng có tổng cộng 5 chiếc Boeing 787-10; 11 chiếc Boeing 787-9 và 14 chiếc Airbus A350.

Những chiếc máy bay thế hệ mới đều thân thiện môi trường nhờ tích hợp công nghệ tiên tiến, giúp giảm 25% nhiên liệu tính trên mỗi ghế và khí thải so với các dòng máy bay thế hệ trước. Chỉ riêng năm 2023, thông qua các hoạt động tối ưu khai thác máy bay, tiết kiệm nhiên liệu, lượng khí CO2 mà Vietnam Airlines cắt giảm được là gần 70.000 tấn, giảm được nhiều hơn 1,5 lần so với năm 2022 (44.240 tấn).

Mới đây, Vietnam Airlines đã thực hiện chuyến bay sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam sử dụng nhiên liệu bền vững cho các chuyến bay chở khách thương mại. Vietnam Airlines cũng vừa ký kết thỏa thuận hợp tác tham gia dự án đo lường phát thải khí CO2 do Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) phát triển. Theo thỏa thuận, hãng sẽ cung cấp dữ liệu để IATA sử dụng cho việc tính toán số liệu về khí phát thải trung bình trên mỗi hành khách cho từng đường bay, loại máy bay.

Tương tự, Hãng hàng không Vietjet cũng đã thực hiện các chuyến bay ít phát thải CO2, đầu tư đội máy bay mới, hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu. Trong những tháng cuối năm 2024, Vietjet dự kiến sẽ nhận thêm 10 máy bay thế hệ mới, phần lớn là A321neo ACF hiện đại nhất hiện nay của Airbus.

Hiện Vietjet cũng đang khai thác đội bay hơn 100 chiếc máy bay hiện đại. Những máy bay này có thể giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu tối thiểu 16%, tiết giảm tiếng ồn tới 75% và lượng khí thải ra môi trường tới 50% so với máy bay thế hệ cũ. Đội máy bay hành khách của Bamboo Airways hiện chỉ còn 8 chiếc A320/321, dự kiến tăng lên 12-15 chiếc cùng loại từ nay đến cuối năm và cũng là dòng máy bay tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải ra môi trường.

Còn nhiều thách thức

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua, các hãng hàng không Việt Nam đã rất tích cực tham gia các hoạt động giảm phát thải khí carbon trong lĩnh vực hàng không dân dụng, hàng năm đều có cập nhật và báo cáo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Tuy nhiên, đây chỉ là những bước khởi đầu của quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của ngành, đặc biệt là của các doanh nghiệp. Cho dù dự báo phục hồi ngành hàng không khá tích cực nhưng mục tiêu Net Zero đang có nhiều thách thức.

X5a.jpg
Máy bay tiếp nhiên liệu tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo IATA, những nỗ lực của các hãng hàng không để đạt mục tiêu phát thải ròng về 0 trước năm 2050 rất đáng ghi nhận, nhưng yếu tố quan trọng nhất là phải sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Loại nhiên liệu này có thể giúp cắt giảm tới 80% lượng khí thải carbon so với sử dụng nhiên liệu truyền thống. Thế nhưng, loại nhiên liệu SAF hiện còn hiếm và rất đắt đỏ, chi phí sản xuất nhiên liệu sạch đang cao gấp 2-3 lần so với nhiên liệu bay hóa thạch.

Theo các chuyên gia, việc cắt giảm khí thải trong lĩnh vực hàng không bao gồm đầu tư đổi mới đội bay và sử dụng nhiên liệu SAF đều rất tốn kém. Mới đây nhất, Hãng hàng không Air New Zealand vừa trở thành hãng hàng không lớn đầu tiên trên thế giới từ bỏ mục tiêu cắt giảm khí thải vào năm 2030, do việc trang bị máy bay mới và nhiên liệu dành cho máy bay mới rất khó mua và đắt tiền.

Ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các hãng hàng không Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn như giá nhiên liệu tăng, biến động tỷ giá, thiếu máy bay… Chỉ riêng chi phí nhiên liệu tăng và biến động tỷ giá đã khiến Vietnam Airlines tăng thêm chi phí 10.000 tỷ đồng so với năm 2019, chưa kể giá cho thuê máy bay và việc triệu hồi máy bay sữa chữa động cơ làm giảm 40-45 máy bay so với năm 2023. Những khó khăn này đã đẩy giá vé máy bay tăng cao.

Thống kê cho thấy, kể từ năm 2019, giá vé máy bay có xu hướng tăng cao tại hầu hết các khu vực trên thế giới. Tại Việt Nam, những đầu năm 2024 giá vé tăng khoảng 15%-17% so với cùng kỳ, tùy thuộc chặng bay, ngày bay, giờ bay. Dự báo, giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3%-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Trong bối cảnh đó, việc đầu tư cho việc cho cắt giảm khí thải càng trở nên khó khăn.

Đại diện các hãng hàng không bày tỏ mong muốn, các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế, chính sách giúp loại nhiên liệu bền vững được sản xuất đại trà với chi phí rẻ hơn. Trong khi chờ đợi, các hãng hàng không Việt Nam vẫn đang tìm cách thay đổi thân thiện với môi trường từ những vật tư, vật liệu nhỏ nhất, đồng thời kêu gọi hành khách có ý thức hạn chế rác thải khi tham gia di chuyển.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực hàng không đã được quy định tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 về phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT. Theo đó, từ năm 2027, các cơ quan hữu quan sẽ nghiên cứu sử dụng nhiên liệu thay thế một phần trong nhiên liệu hàng không; đến năm 2030, hệ thống cơ sở dữ liệu về sử dụng năng lượng và tiêu thụ nhiên liệu của các doanh nghiệp hàng không sẽ được hoàn thiện; từ năm 2035, một số chuyến bay ngắn sẽ sử dụng tối thiểu 10% nhiên liệu bền vững, 100% phương tiện chở khách và phương tiện khác trong sân bay đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; từ năm 2050, 100% máy bay chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh, nhiên liệu hàng không bền vững để giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính.

Tin cùng chuyên mục