Theo Cục Hàng không Việt Nam, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã ban hành kế hoạch giảm và bù đắp carbon trong các chuyến bay quốc tế, nhằm góp phần đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của lĩnh vực hàng không dân dụng.
Những năm qua, Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu theo Corsia, đồng thời thực hiện giám sát - báo cáo - thẩm tra phát thải carbon với các chuyến bay quốc tế, báo cáo ICAO dữ liệu phát thải các năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023.
ICAO đã chia ra hai giai đoạn thực hiện bù đắp carbon theo Corsia gồm: giai đoạn tự nguyện tham gia từ năm 2021-2026 và giai đoạn bắt buộc tham gia từ năm 2027-2035.
Theo tính toán sơ bộ, với chi phí mua tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí thải phát ra khi tham gia giai đoạn tự nguyện từ 1-1-2024 tới hết năm 2026, thấp nhất sẽ là hơn 13 triệu USD (với giá tín chỉ là 6 USD) và cao nhất là hơn 92 triệu USD (với giá tín chỉ là 40 USD).
Nếu tham gia giai đoạn tự nguyện từ 1-1-2025, thì trong năm 2025, hàng không quốc gia Việt Nam chi phí hết thấp nhất từ 4,6 triệu USD tới cao nhất là 31 triệu USD cho việc mua tín chỉ carbon. Trong năm 2026, các con số tương ứng sẽ là 5,6 triệu USD và 37,5 triệu USD.
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, các hãng hàng không Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn về tài chính nếu như tham gia giai đoạn tự nguyện của Corsia sớm hơn dù chỉ 1 năm. Hiện Cục Hàng không Việt Nam đã thống nhất và dự kiến tham gia Corsia giai đoạn tự nguyện từ ngày 1-1-2026.
Việc tham gia Corsia tương đương với việc Việt Nam tham gia một hiệp định quốc tế. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, ngành hàng không rất cần sự chung sức, đồng lòng, hỗ trợ của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan trong và ngoài ngành.