Mùa hè năm 2021 đã trôi qua khá ảm đạm trong bối cảnh ngành hàng không toàn cầu vẫn tiếp tục hứng chịu tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19, kéo theo nhu cầu đi lại, nghỉ dưỡng và du lịch thế giới cũng bị đình trệ. Trong bối cảnh đó, châu Âu như một điểm sáng của bức tranh toàn cảnh dù vẫn còn nhiều thử thách phía trước.
Nửa năm đầu phục hồi mong manh
Đầu mùa hè năm nay, làn sóng Covid-19 tạm lắng, tưởng chừng như hàng không Mỹ có cơ hội phục hồi khả quan khi lượng khách đi máy bay đạt 80% so với trước đại dịch. Song hy vọng phục hồi đã nhanh chóng bị dập tắt. Số ca mắc Covid-19 do biến chủng Delta ở Mỹ tăng nhanh kể từ tháng 8 khiến hành khách đồng loạt hủy chuyến, các nhà đầu tư thì hoảng sợ. Nhiều hãng hàng không Mỹ đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng nề trong quý III.
Tại Australia, hoạt động bay nội địa của hãng trong tháng 7 giảm từ mức 90% so với trước đại dịch xuống còn chưa đầy 40%.
Riêng khu vực Đông Nam Á, vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng biến chủng Delta, hoạt động vận tải hành khách đường không hiện gần như tê liệt, trừ rất ít chuyến bay hồi hương công dân hay vận chuyển lực lượng và thiết bị y tế phòng, chống dịch.
Garuda - hãng hàng không quốc gia Indonesia - đang lên kế hoạch cắt giảm một lượng lớn máy bay thân rộng, đồng thời giữ lại hàng chục máy bay thân hẹp để tập trung vào hãng bay giá rẻ Citilink.
Hãng hàng không quốc gia Philippine Airlines (PAL) - hãng hàng không lâu đời nhất châu Á - đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi đầu tháng tại Mỹ để cắt giảm 2 tỷ USD tiền nợ hiện nay trong bối cảnh hãng đang cố gắng để sống sót qua những tác động của đại dịch Covid-19. Việc đệ đơn phá sản sẽ cho phép hãng tái cơ cấu các hợp đồng và cắt giảm ít nhất 2 tỷ USD tiền nợ trong khi nhận được 655 triệu USD vốn mới theo Chương 11 của Luật Phá sản.
Theo Bloomberg, trước Philippines Airlines, đã có hơn 20 hãng hàng không trên toàn cầu tuyên bố phá sản hoặc phải dừng hoạt động vĩnh viễn, trong đó có những tên tuổi, như: Thai Airways (Thái Lan), Virgin Australia (Australia), AirAsia Japan (Nhật Bản), Norwegian Air (Na Uy), Cathay Dragon (Hồng Công)...
Năm 2021, do biến chủng Delta tiếp tục hoành hành tại nhiều nước trên thế giới, hy vọng vào sự phục hồi của ngành hàng không trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) nhận định 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng ghế cung ứng của ngành hàng không giảm 42%-47%, sản lượng khách vận chuyển giảm 47%-57% và doanh thu ước tính giảm 156-181 tỷ USD so với năm 2019.
Chặng đường dài để kết nối lại thế giới
Trong bối cảnh đó, châu Âu đang trở thành một điểm sáng hiếm hoi trên thị trường hàng không toàn cầu, khi tỷ lệ tiêm phủ vaccine ở nhiều nước trong khu vực đã đạt mức khá cao. Sân bay nhiều nước châu Âu đã có dấu hiệu nhộn nhịp hơn, nhiều hành khách và chuyến bay hơn, chứng tỏ sự tự tin của các nước này sau khi đã được chủng ngừa.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), cả nhu cầu đi lại quốc tế và nội địa đều tăng đáng kể vào tháng 7, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. IATA cảnh báo, hiện các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chưa có sự thống nhất về các quy định kiểm soát Covid-19 với du khách quốc tế. Bất cập này không chỉ làm du khách và doanh nghiệp du lịch lúng túng mà còn khiến cho tiến độ phục hồi kinh tế không đạt được như kỳ vọng.
Không chỉ ở EU, chính sách và thủ tục nhập cảnh của từng quốc gia trong giai đoạn này cũng thay đổi, cập nhật liên tục. Để được đi qua một trong những biên giới đất liền dài nhất và nhộn nhịp nhất thế giới, công dân Mỹ và người thường trú tại Mỹ phải tiêm đầy đủ vaccine Covid-19 và có xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.
Nhiều quốc gia khác cũng yêu cầu điều kiện tương tự, thậm chí một vài nơi là 48 giờ trước bay. Hành khách bắt buộc phải đăng ký dịch vụ cách ly từ 10-15 ngày tại quốc gia mình đến. Nhiều dịch vụ bắt buộc phải thanh toán tiền trước, hạn chế nhận tiền mặt, trong đó có chi phí xét nghiệm ở nơi cách ly. Bù lại, dung dịch diệt khuẩn, giấy lau mặt, lau tay đặc hiệu, việc làm sạch kỹ lưỡng ghế ngồi và tiện ích khác đang được các hãng hàng không chú trọng.
Sau một thời gian cấm các du khách quốc tế đến từ 26 quốc gia Schengen ở châu Âu, Ireland, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Iran và Brazil…, từ đầu tháng 11, Mỹ sẽ mở cửa trở lại cho hành khách từ những nước này, nếu đã được tiêm đầy đủ vaccine Covid-19. Giới chức châu Âu gọi tin này là “bước ngoặt” cho việc mở lại ngành lữ hành ở tầm vóc lớn dù Mỹ đã bỏ lỡ một mùa hè do lo ngại biến chủng Delta.
Trước đại dịch Covid-19, thế giới chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không - một ngành có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn đối với các vấn đề an ninh, quân sự và chủ quyền quốc gia. Song để ngành hàng không thế giới có thể phục hồi, chắc chắn cần không ít thời gian và nỗ lực, đặc biệt còn phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tiêm phủ vaccine Covid-19 cho người dân trên toàn thế giới.
Theo Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh, quyết định của các chính phủ cần được thúc đẩy bởi dữ liệu, đặc biệt là liên quan đến hiệu quả của vaccine cũng như các chính phủ cần khôi phục quyền tự do đi lại. Ở mức tối thiểu, những khách du lịch đã được tiêm phòng sẽ không gặp phải những hạn chế. Đó sẽ là một chặng đường dài để kết nối lại thế giới, hồi sinh lĩnh vực du lịch và lữ hành.