Tín hiệu tốt
Tại cuộc họp thường niên ở Doha (Qatar) mới đây, IATA dự đoán, trong năm 2022, lượng hành khách di chuyển sẽ tăng lên 83% mức trước đại dịch và khả năng sinh lời trở lại “trong tầm tay” vào năm 2023. IATA dự báo tổn thất của ngành sẽ giảm xuống 9,7 tỷ USD trong
năm 2022, một sự “cải thiện đáng kể” so với các mức lỗ 137,7 tỷ USD năm 2020 và 42,1 tỷ USD năm 2021. Cụ thể, doanh thu của ngành trong năm 2022 dự kiến đạt 782 tỷ USD (tăng 54,5% so với năm 2021), nhưng vẫn chỉ bằng 93,3% so với năm 2019. Ngành hàng không từng bị giảm 60% lượng khách vào năm 2020 và 50% vào năm 2021. Các hãng hàng không đã thiệt hại gần
200 tỷ USD trong 2 năm qua.
Doanh thu đang tăng lên khi các hạn chế đi lại do dịch Covid-19 giảm bớt và mọi người quay trở lại du lịch. Thách thức đối với năm 2022 là kiểm soát chi phí đầu vào để giảm lỗ. Các ngành công nghiệp trở lại mức sản xuất bình thường trước dịch bệnh, nhưng giá nhiên liệu cao có thể sẽ kéo dài, do đó lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát chi phí. Bắc Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục là khu vực hoạt động mạnh nhất và là khu vực duy nhất ngành hàng không có lãi trở lại vào năm 2022. Do thị trường nội địa rộng lớn của Mỹ và việc mở cửa trở lại các thị trường quốc tế, lợi nhuận ròng của khu vực này được dự báo đạt 8,8 tỷ USD vào năm 2022.
Đối với các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương, các hạn chế đi lại nghiêm ngặt và lâu dài (đặc biệt là ở Trung Quốc), cùng với việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 không đồng đều đã khiến khu vực này tụt hậu trong quá trình phục hồi. Khi các hạn chế giảm bớt, nhu cầu đi lại dự kiến sẽ tăng lên nhanh chóng và lỗ ròng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2022 được dự báo sẽ giảm xuống còn 8,9 tỷ USD.
Nguy cơ
IATA dự báo chi tiêu cho xăng dầu là 192 tỷ USD, trở thành chi phí lớn nhất của ngành vào năm 2022 (24% tổng chi phí, tăng so với 19% vào năm 2021). Điều này dựa trên mức giá trung bình dự kiến đối với dầu thô Brent là 101,2USD/thùng, và 125,5USD/thùng đối với xăng máy bay phản lực. Nếu giá dầu tăng hơn, chi tiêu cho nhiên liệu sẽ tăng thêm.
Bên cạnh đó, việc các hãng hàng không và sân bay cắt giảm nhân sự để “cầm cự” trong cuộc khủng hoảng Covid-19 giờ lại đẩy họ vào một thế khó khác hậu đại dịch. Ban quản lý sân bay Schiphol - sân bay bận rộn nhất của Hà Lan - cho biết, số lượng hành khách mỗi ngày tới đây vượt quá khả năng xử lý của nhân viên an ninh. Hãng hàng không Hà Lan KLM đã phải xin lỗi vì để hành khách mắc kẹt tại sân bay trong sự cố xảy ra hồi đầu tháng này.
Giám đốc điều hành của Liên minh hàng không Air France-KLM, ông Ben Smith, thừa nhận, phải mất thêm vài tháng nữa sân bay Schiphol mới có đủ nhân lực để giảm bớt sức ép như hiện nay. Trong khi đó, các sân bay Gatwick và Heathrow tại Anh đã yêu cầu các hãng hàng không đặt ra giới hạn số lượng chuyến bay. Hãng hàng không giá rẻ easyJet (Thụy Sĩ) phải hủy hàng ngàn chuyến bay mùa hè này do mức giới hạn tại sân bay Gatwick và Schiphol. Còn các hãng hàng không Bắc Mỹ đã gửi thư tới người đứng đầu cơ quan quản lý vận tải của Ireland yêu cầu hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng chậm trễ tại sân bay Dublin.
Theo dữ liệu từ Công ty tư vấn hàng không Cirium của Anh, trong tháng 6 này, đã có gần 2.000 chuyến bay thuộc các hãng hàng không lớn của châu Âu bị hủy bỏ chỉ trong vòng 1 tuần. Trong số đó, các chuyến bay từ sân bay Heathrow (Anh) chiếm 28%, Schiphol chiếm 9%. Để tránh xung đột với người lao động, Hãng hàng không Norwegian Air (Na Uy) hồi đầu tháng đã nhất trí tăng lương 3,7% cho phi công. Trong khi đó, sân bay Schiphol đã đồng ý trả thêm thù lao 5,25EUR/giờ (khoảng 5,5USD/giờ) đối với 15.000 nhân viên là những người dọn vệ sinh, nhân viên xử lý hành lý và nhân viên an ninh trong dịp cao điểm du lịch hè này.
Ngoài ra, bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu ảnh hưởng lớn đối với triển vọng của ngành hàng không. Dự báo về tăng trưởng GDP toàn cầu ở mức 3,4% vào năm 2022, giảm so với mức tăng mạnh 5,8% vào năm 2021.
Điều này sẽ tác động không nhỏ với ngành. Bên cạnh đó, lạm phát đang trên đà tăng trên toàn thế giới và dự kiến sẽ kéo dài trong suốt năm 2022 là cú giáng khá mạnh vào giá vé máy bay. Hầu hết các hãng hàng không đã và đang tăng giá vé. Tại Mỹ, do giá nhiên liệu và lạm phát tăng, giá vé trung bình của một chuyến bay nội địa đã tăng vọt từ 202USD vào tháng 10-2021 lên 336USD vào tháng 5-2022. Tại Liên minh châu Âu, giá vé khứ hồi trước thuế vào tháng 4 đã trở lại mức cùng tháng năm 2019, sau khi giảm gần 20% vào năm 2020.
Tuy nhiên, mọi kế hoạch của ngành hàng không vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ từ dịch Covid-19, cho dù tình hình dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát trên toàn cầu. Trường hợp các chính phủ quay trở lại các biện pháp đóng cửa biên giới nếu xuất hiện các đợt bùng phát dịch mới sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành hàng không. Riêng với Trung Quốc, theo IATA, nếu nước này sớm nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 thì sẽ góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình phục hồi của ngành hàng không toàn cầu.
Quá trình cắt giảm khí thải của ngành hàng không đã bắt đầu từ nhiều năm trước, nhưng lo ngại về nguồn cung nhiên liệu, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột tại Ukraine, đã tạo thêm động lực tìm nhiên liệu xanh cho ngành. Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) chủ yếu là hydro lỏng và điện, hoặc kết hợp cả hai. SAF có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính lên đến 80% so với nhiên liệu máy bay thông thường. Nhiều hãng hàng không đã cam kết áp dụng SAF khi nhiên liệu hóa thạch ngày càng đắt đỏ. |