Theo IATA, lượng khách đi lại bằng hàng không trong năm 2020 giảm tới 55%, mức giảm mạnh hơn so với mức dự báo 46% được đưa ra hồi tháng 4.
Rào cản đi lại kéo dài
Cũng theo IATA, một trong những nguyên nhân làm chậm đà phục hồi ngành hàng không là rào cản về đi lại kéo dài tại một số thị trường hàng không trên thế giới. Trang tin Fight Global dẫn lời của Giám đốc Điều hành IATA Alexandre De Juniac cho rằng, nửa cuối năm 2020 sẽ chứng kiến sự phục hồi chậm hơn kỳ vọng. Lượng khách đi máy bay trong tháng 6 qua đã giảm tới 86,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tháng 5 giảm hơn 90%. Ước tính, để ngành hàng không đạt được số liệu như năm 2019 sẽ là giai đoạn 2023 - 2024, thay vì 2022 - 2023 như dự báo trước đó. Đến cuối năm nay, ngành công nghiệp này có thể chỉ đạt mức 45% lưu lượng hành khách so với năm 2019.
Còn theo Tổng Giám đốc Hiệp hội Hàng không châu Á - Thái Bình Dương Subhas Menon, hoạt động đi lại toàn cầu khó lấy lại sức bật nếu các quốc gia không có chính sách thực hiện các xét nghiệm Covid-19 với chi phí hợp lý, bởi tại nhiều nước, mức chi phí để thực hiện những xét nghiệm này có thể lên tới hàng trăm USD. Ông cho rằng, các nước có thể yêu cầu du khách tự chi trả cho các xét nghiệm nếu những xét nghiệm này có mức giá chấp nhận được. Bản cập nhật của IATA còn dự báo hoạt động kinh doanh lữ hành có thể bị sụt giảm, đe dọa đến lợi nhuận thu được từ các chuyến bay đường dài hoặc theo chặng do hành khách thắt chặt chi tiêu.
Mặc dù không có số liệu chính xác về số công ty có nguy cơ phá sản, IATA cảnh báo, nhiều hãng hàng không có thể rơi vào tình trạng này nếu các chính phủ không phản ứng kịp thời và đúng mức, hoặc nếu tình hình không được cải thiện khi các tuyến bay nội địa được nối lại vào tháng 6 theo kế hoạch đề ra và tháng 7 đối với các tuyến bay quốc tế. Tại châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ, sau thời gian giãn cách xã hội, hoạt động ngành hàng không từng bước được khôi phục. Nhiều hãng hàng không đang bắt đầu đánh giá những thiệt hại sau nhiều tuần ngừng hoạt động, núi nợ ngày càng lớn và triển vọng nhu cầu ảm đạm. Bản thân các hãng cũng nỗ lực cải thiện tình hình hoặc tìm hướng đi mới để có thể “cất cánh” trở lại.
Lời khuyên của WHO
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị các nước nên dần dỡ bỏ các biện pháp áp đặt với hoạt động đi lại quốc tế trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng các rủi ro và phải ưu tiên đi lại đối với các trường hợp khẩn cấp. Theo đó, WHO nhấn mạnh cần ưu tiên hoạt động đi lại đối với các trường hợp khẩn cấp, các hoạt động nhân đạo, di chuyển thiết yếu của cá nhân và việc hồi hương.
Trong bối cảnh các ca mắc mới Covid-19 tăng đột biến ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều nước phải áp đặt trở lại một số biện pháp hạn chế đi lại. Hiện WHO kêu gọi mỗi nước tự phân tích giữa lợi ích và rủi ro để từ đó quyết định các ưu tiên phù hợp, trước khi thực hiện nối lại hoạt động đi lại quốc tế. Trong khuyến cáo mới nhất về đi lại, WHO cho rằng các nước phải tính đến các mô hình dịch tễ học và sự lây nhiễm ở địa phương, các biện pháp y tế và xã hội các nước đã triển khai. Theo WHO, nếu các nước chọn phương án cách ly tất cả người từ bên ngoài nhập cảnh, trước tiên cần đánh giá các rủi ro và cân nhắc các điều kiện trong nước.
Đầu tuần này, WHO cho rằng các lệnh cấm đi lại quốc tế không thể tồn tại lâu dài và các nước sẽ phải làm nhiều hơn để giảm thiểu sự lây lan virus SARS-CoV-2 trong phạm vi lãnh thổ mỗi nước. Trước đó, WHO khuyến cáo du khách đeo khẩu trang trên máy bay, thực hiện các biện pháp được áp dụng chung trong tình hình dịch bệnh như giãn cách xã hội, rửa tay và tránh chạm vào mắt, mũi và miệng.