LTS: Các sân bay lớn vẫn đang phải chờ kinh phí để sửa chữa lớn trong khi hạ tầng không ngừng xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, các hãng hàng không đang tiếp tục đau đầu vì tình trạng “chảy máu” phi công... Rõ ràng, hệ lụy từ việc phát triển nóng thị trường đang tạo áp lực rất lớn lên toàn bộ ngành hàng không Việt Nam. Nếu không sớm có giải pháp khắc phục, những vấn đề bất cập sẽ càng trở nên nan giải, đe dọa sự phát triển lành mạnh của ngành hàng không.
Chậm đơn, chậm kép
Theo ghi nhận từ các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, tình trạng chuyến bay chậm thời gian so với kế hoạch đang có những diễn biến phức tạp hơn. Ngoài lý do mà các hãng hàng không đưa ra như thời tiết, kỹ thuật hoặc máy bay về muộn; gần đây, có một lý do đang trở nên thường gặp, đó là máy bay phải xếp hàng để chờ được cất cánh. Nhiều hành khách phấn khởi vì được làm thủ tục nhanh và lên máy bay đúng giờ; thế nhưng, ngay sau đó họ phải bực dọc, ức chế vì ngồi trong máy bay hàng chục phút mới được bay.
Tổng công suất thiết kế của các cảng hàng không là 144 triệu khách/năm. Hàng loạt dự án nâng cấp, mở rộng hạ tầng hàng không đang bị chậm trễ do gặp nhiều vướng mắc về cơ chế là: Dự án xây dựng nhà ga T3 Nội Bài với công suất 10 triệu khách/năm kèm hệ thống sân đậu máy bay. Dự án xây mới nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất với công suất 20 triệu khách/năm, kèm hệ thống đường lăn sân đậu. Xây dựng nhà ga hành khách T2 - Sân bay Cát Bi (Hải Phòng), công suất 5 triệu khách/năm kèm sân đậu. Xây dựng nhà ga T2 sân bay Vinh (Nghệ An), công suất 5 triệu khách/năm kèm sân đậu. Xây dựng nhà ga T2 sân bay Phú Bài (Huế), công suất 5 triệu hành khách/năm kèm sân đậu. Dự án xây dựng nhà ga mới sân bay Đà Nẵng công suất 18 - 20 triệu khách/năm. Dự án xây dựng nhà ga mới sân bay Cam Ranh công suất 15 triệu khách/năm. |
Lại có những hành khách than vãn bị “chậm đơn, chậm kép” khi vừa bị hãng thông báo delay nhiều giờ qua tin nhắn vừa bị delay thêm một khoảng thời gian nữa tại sân bay, rồi tiếp tục chờ khi đã lên máy bay. Chị Hồng Giang (ngụ quận Ba Đình, Hà Nội) kể, có lần ngồi trong máy bay quá lâu mà không có thông tin gì từ tiếp viên, tôi đành phải gọi điện ra ngoài để truy tìm lý do và được biết máy bay đang xếp hàng đợi đến lượt cất cánh.
Giải thích về tình trạng máy bay phải xếp hàng chờ bay đang diễn ra, đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, nguyên nhân là do hoạt động bay tăng trưởng quá nhanh, trong khi hệ thống đường băng, đường lăn tại sân bay này lại quá cũ kỹ, lạc hậu và xuống cấp. Được xây dựng từ trước năm 1975, đường lăn của sân bay Tân Sơn Nhất hiện chỉ có thể cho phép duy trì một luồng máy bay di chuyển.
Trong nhiều trường hợp, các kiểm soát viên không lưu buộc phải “giữ chân” máy bay trên mặt đất hoặc kéo dài thời gian bay trên không của một số máy bay để sắp xếp thứ tự cất - hạ cánh (CHC) cho phù hợp. Bên cạnh thiết kế, quy mô quá cũ, đường lăn, thì đường CHC tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài cũng đang xuống cấp rất nghiêm trọng.
Trong đó, tại sân bay Tân Sơn Nhất, đường CHC 25L/07R được nâng cấp đưa vào khai thác năm 2004, hiện đã hư hỏng cần được duy tu, sửa chữa thường xuyên. Đường CHC 25R/07L được sửa chữa và đưa vào sử dụng vào tháng 6-2013, hiện đang vượt quá tần suất khai thác theo thiết kế ban đầu. Theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất đều đang khai thác nhiều loại máy bay thế hệ mới (A350-900, B787-9) có tải trọng và áp suất bánh hơi lớn hơn so với tính toán ban đầu nên đương nhiên hạ tầng càng nhanh xuống cấp. Công tác duy tu, sửa chữa hiện chỉ mang tính tạm thời để duy trì hoạt động khai thác.
Vướng đâu phải gỡ đó
Theo Cục HKVN, trước khi cổ phần hóa, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có trách nhiệm bỏ vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng, phát triển toàn bộ cảng hàng không, bao gồm cả đường CHC và đường lăn. Sau khi cổ phần hóa (bắt đầu từ ngày 1-4-2016), đường CHC và đường lăn thuộc tài sản nhà nước nên Bộ GTVT có trách nhiệm bố trí vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo những hạng mục này. Tuy nhiên, do nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 hết sức khó khăn nên Bộ GTVT chưa thể cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước để thực hiện.
Với vai trò là nhà khai thác cảng, hiện ACV vẫn đang sửa chữa, khắc phục những hư hỏng để đảm bảo khai thác. Về dài hạn, Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư, quản lý. Tại đề án này, Bộ GTVT báo cáo 2 phương án. Trong đó, phương án 1 là nguồn vốn bảo trì do ngân sách nhà nước bố trí hàng năm, Bộ GTVT giao dự toán ngân sách cho ACV thực hiện theo quy định. Với phương án 2, Bộ GTVT đề xuất để ACV thực hiện công tác bảo trì bằng nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không. Trường hợp nguồn thu này không đủ, ACV có trách nhiệm bảo trì bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, quan điểm của bộ nghiêng về phương án 2 do phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 là doanh nghiệp được giao quản lý, khai thác tài sản phải đảm bảo kinh phí sửa chữa, bảo trì tài sản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế và dư luận tỏ ý lo ngại trước việc Bộ GTVT nhất quyết giao việc đầu tư, nâng cấp các sân bay cho ACV. Lý do là doanh nghiệp này đã có nhiều vi phạm trong quá trình cổ phần hóa. Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của ACV trong các hoạt động kinh doanh và yêu cầu khắc phục với số tiền 3.600 tỷ đồng.
Theo Bộ GTVT, việc sửa chữa nâng cấp hạ tầng khu bay quá cấp bách, cần triển khai càng nhanh càng tốt để đảm bảo an toàn bay. Hiện Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch đầu tư, nâng cấp hạ tầng khu bay tại sân bay Nội Bài bao gồm 2 dự án: “Cải tạo, nâng cấp đường CHC 1B, các đường lăn nối, hệ thống trang thiết bị đồng bộ” và “Cải tạo, nâng cấp đường CHC 1A, các đường lăn nối, hệ thống trang thiết bị đồng bộ”. Tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có 3 dự án, bao gồm: “Cải tạo, nâng cấp đường CHC 25L/07R, các đường lăn nối, hệ thống trang thiết bị đồng bộ”, “Cải tạo, nâng cấp đường CHC 25R/07L, các đường lăn nối, hệ thống trang thiết bị đồng bộ” và “Xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối, cùng hệ thống trang thiết bị đồng bộ”.
Song song với việc trình duyệt đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư, quản lý, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp hạ tầng hàng không, Bộ GTVT đang tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung phương án sử dụng 10% dự phòng trung hạn, giai đoạn 2016-2020, để triển khai đầu tư ngay các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đường CHC, đường lăn tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài.
Việc cải tạo nâng cấp hạ tầng các cảng hàng không là cấp thiết, tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ GTVT, để giải quyết căn cơ tình trạng quá tải sân bay Tân Sơn Nhất, giải pháp quan trọng nhất vẫn là xây dựng CHKQT Long Thành. Với công suất giai đoạn 1 là 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, giai đoạn 2 đến năm 2030 đạt công suất 50 triệu lượt hành khách/năm, CHKQT Long Thành được kỳ vọng sẽ là đột phá lớn trong hạ tầng hàng không Việt Nam. Hiện Bộ GT-VT đã hoàn thành công tác khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 10-2019. Tuy nhiên, theo thông báo của Quốc hội, tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 9 đến 20-9, nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án CHKQT Long Thành sẽ chưa được xem xét như dự kiến ban đầu. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án chưa được quyết định, công tác GPMB tại địa phương vẫn đang trong giai đoạn kiểm đếm… Với tiến độ này, mục tiêu khởi công dự án CHKQT Long Thành vào cuối năm 2020 rất khó có thể thực hiện được. Và như vậy, tình trạng ùn ứ, xếp hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ còn dài dài… |