Thực tế cho thấy, thực phẩm không rõ nguồn gốc có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu, đặc biệt là tại các khu chợ đầu mối, chợ truyền thống (nơi nhiều loại thực phẩm được cung ứng, luân chuyển đi khắp nơi).
Theo khảo sát của PV SGGP tại một số chợ ở TP Đà Nẵng, tình trạng bày bán tràn lan các thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn ra một cách phổ biến.
Khi được hỏi về nguồn gốc các sản phẩm, người bán hàng khẳng định nhập từ những nơi uy tín, chất lượng và là đặc sản do các hộ gia đình chế biến, vì vậy không có tem mác, nguồn gốc rõ ràng. Khi có khách đặt mua hàng, các chủ cửa hàng lấy các mặt hàng từ trong thùng, túi ni lông ra cân và đóng thành từng gói theo yêu cầu của khách.
Không bao bì nhãn mác, không xuất xứ và không có hạn sử dụng nhưng với giá rẻ, hàng trăm loại bánh kẹo, mứt, rượu, bò khô... vẫn hút khách hàng nườm nượp.
Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc ráo riết nhằm ngăn chặn tình trạng hàng kém chất lượng, nhưng thị trường này vẫn hoạt động sôi nổi và khó kiểm soát.
Ông Trần Phước Trí, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng cho biết, việc mặt hàng không rõ nguồn gốc xen lẫn những sản phẩm đạt chất lượng đang tràn lan trên thị trường là do phần lớn tâm lý muốn mua hàng rẻ tiền của người tiêu dùng đã tạo điều kiện cho người kinh doanh tìm cách trà trộn các mặt hàng không rõ nguồn gốc vào cùng với hàng hóa đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ để hạ giá thành và bán được hàng hóa; đồng thời đó cũng là hành vi lừa dối người tiêu dùng của người kinh doanh khi để xen lẫn những hàng hóa có cùng công dụng nhưng chất lượng khác nhau khi bán hàng hóa.
Người dân cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.