
Theo Reuters, tình trạng gián đoạn tại các sân bay trên khắp nước Pháp xảy ra từ ngày 3-7 và trở nên nghiêm trọng hơn trong ngày 4-7.
Hãng hàng không Ryanair - một trong những đơn vị bị tác động lớn nhất - cho biết đã phải hủy hơn 400 chuyến bay, ảnh hưởng đến 70.000 hành khách. Tất cả các chuyến bay của hãng qua không phận Pháp đều bị ảnh hưởng. Ryanair kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cải cách các quy định về kiểm soát không lưu.
Cơ quan 4-7(DGAC) đã yêu cầu các hãng bay không được hủy quá 40% số chuyến bay tại các sân bay như Charles de Gaulle, Orly và Beauvais; không quá 50% số chuyến bay tại Nice và không quá 30% tại Marseille, Lyon cùng một số thành phố khác.
Dù các biện pháp giảm tải được triển khai, tình trạng chậm chuyến và hủy chuyến vẫn lan rộng vào đúng mùa cao điểm du lịch. Hành khách tại nhiều nước như Anh, Ireland, Tây Ban Nha và Đức cũng chịu ảnh hưởng, do các chuyến bay đi qua không phận Pháp buộc phải hoãn hoặc điều chỉnh lịch trình. Riêng tại Ireland, hàng chục chuyến bay nối Dublin đã bị hủy hoặc trễ giờ.
Trong khi đó, tình hình cũng đang căng thẳng ở Phần Lan khi các nhân viên dịch vụ mặt đất của sân bay Helsinki tiến hành đình công một ngày yêu cầu thay đổi chính sách tiền lương.

Trước đó, hôm 2-7, Hãng hàng không Quốc gia Phần Lan Finnair thông báo sẽ hủy khoảng 80 chuyến bay trong ngày 4-7, ảnh hưởng đến 8.000 hành khách. Theo thông báo mới nhất của Nghiệp đoàn Hàng không Phần Lan (IAU), sẽ có thêm nhiều cuộc đình công khác trong các ngày 7, 16, 18, 21 và 23-7.
Tại Hà Lan, Công đoàn Thiên chúa giáo Hà Lan (CNV) ngày 4-7 xác nhận cuộc đình công tại sân bay Amsterdam vẫn sẽ diễn ra theo kế hoạch vào ngày 9-7 tới, do đề xuất của hãng hàng không KLM về vấn đề tiền lương không đáp ứng yêu cầu của các nhân viên mặt đất tại chi nhánh Hà Lan của hãng Air France-KLM.