Sức chứa chuyến bay tăng mạnh
Tiêm chủng vaccine Covid-19 đầy đủ đã hỗ trợ việc cắt giảm tối đa quy trình cách ly, xét nghiệm Covid-19, tạo đà phục hồi cho ngành hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Công ty Phân tích dữ liệu hàng không Cirium cho biết trong tháng 4 này, các hãng hàng không sẽ chứng kiến sức chứa trên các chuyến bay tăng mạnh so với tháng 4-2021. Tại 14 thị trường châu Á - Thái Bình Dương trọng điểm, sức chứa trên các chuyến bay có thể sẽ tăng trung bình 96% so với năm ngoái.
Thái Lan sẽ là quốc gia ghi nhận mức tăng mạnh nhất, với số ghế trên các chuyến quốc tế dự kiến tăng 186% lên 850.000 chỗ ngồi. Thai Airways là hãng hàng không tăng năng lực phục vụ thêm nhiều khách nhất. Theo sau sẽ là Singapore, với mức tăng khoảng 176% lên 1,4 triệu ghế. Trong tháng này, Singapore Airlines sẽ bổ sung gấp gần 2 lần số ghế so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ LCC Scoot dự kiến tăng gấp 4 lần sức chứa so với tháng 4-2021.
Theo trang tin trực tuyến Flightglobal, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Asia (Singapore) dự kiến nối lại các chuyến từ Singapore tới Đà Nẵng vào ngày 19-4. Đây là động thái chung của nhiều hãng hàng không sau khi Singapore thông báo mở cửa lại hoàn toàn biên giới từ ngày 1-4, đồng thời chấm dứt áp đặt hành lang du lịch cho người đã tiêm chủng.
Các hãng hàng không AirAsia X (Malaysia), Qantas (Australia) cũng thông báo mở lại các đường bay thẳng từ Ấn Độ và Hàn Quốc. AirAsia X đang dần nối lại dịch vụ bay tại các thị trường chủ chốt, từ Sydney (Australia) đến Hàn Quốc và Ấn Độ. Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Airways của Australia khởi động lại các chuyến bay thẳng từ Melbourne đến đảo Bali (Indonesia), sau hơn 2 năm tạm dừng do dịch Covid-19.
Tại Philippines, Cebu Air - công ty vận hành Cebu Pacific, tiếp tục đẩy nhanh kế hoạch trở lại phục vụ du lịch quốc tế. Hãng hàng không quốc gia của Indonesia là Garuda Indonesia cũng tăng tốc hoạt động, đã khởi động lại các chuyến bay từ Nhật Bản đến Bali, cũng như các chuyến bay từ Sydney đến hòn đảo nghỉ dưỡng này.
Phục hồi chưa đồng đều
Việc hàng không phục hồi nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của người lao động bởi đây là một trong những lĩnh vực chứng kiến làn sóng sa thải lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, nhịp độ thay đổi diễn ra không đồng đều.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Đặc khu hành chính Hồng Công không còn là đầu mối hàng không quốc tế do việc phòng dịch quá nghiêm ngặt. Quy định hạn chế chuyến bay và cách ly du khách nhập cảnh khiến rất nhiều hãng hàng không hủy chuyến bay đến Hồng Công (Trung Quốc). Mặc dù chính quyền Hồng Công hủy lệnh cấm bay đối với 9 nước vào đầu tháng này và rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh, nhưng du khách vẫn không mặn mà. Trung Quốc đại lục là quốc gia duy nhất giảm sức chứa trên các chuyến bay quốc tế trong tháng 4, khi các hãng hàng không nước này cắt giảm khoảng 27% số ghế so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc có mức tăng số ghế lần lượt là 35% và 27%.
Theo Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để hàng không châu Á - Thái Bình Dương đạt được trạng thái bình thường mới do chưa có sự phục hồi đồng đều giữa các quốc gia. Tuy nhiên, tần suất phục vụ bay và việc nối lại các dịch vụ hàng không là lý do chính để lạc quan. IATA dự báo ngành hàng không châu Á sẽ giảm lỗ ròng từ mức 11,2 tỷ USD năm 2021 xuống còn 2,4 tỷ USD năm nay, khi hoạt động kinh doanh khởi sắc trở lại.