Thiệt hại 4 tỷ USD
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tái phát tại nhiều quốc gia và thị trường hàng không quốc tế đóng cửa, hầu hết các hãng hàng không đang đối mặt với tình trạng thua lỗ, suy kiệt dòng tiền và nguy cơ phá sản.
Trong đó, Việt Nam với 5 hãng hàng không nội địa, đang khai thác 234 máy bay, ước tính thiệt hại tới 4 tỷ USD trong năm 2020. Trong đó, Vietnam Airlines dự báo lỗ năm 2020 khoảng 14.000-15.000 tỷ đồng. Vietjet cho biết, riêng tiền thuê máy bay đã lỗ 2.400 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, khiến hãng phải bán và chuyển nhượng nhiều tài sản tích lũy để cầm cự qua dịch Covid-19.
Với tình hình khó khăn hiện nay, Vietjet ước tính thiếu hụt 7.000 - 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Không đưa ra con số cụ thể về thiệt hại nhưng Bamboo Airways cho biết, 90% máy bay của hãng đã phải ngừng hoạt động, số lượng chuyến bay cũng chỉ còn 2 ngày/chuyến trên các trục chính.
Ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục HKVN, nhận định, ngành HKVN có thể phục hồi theo kịch bản chữ V (sụt giảm đến đáy và tăng trưởng nhanh trở lại) nhưng dự kiến phải tới năm 2023 thị trường mới có thể đạt mức như năm 2019.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines, lo ngại thị trường nội địa tuy phục hồi nhưng yếu. Việc các hãng liên tục dồn vào thị trường nội địa khiến nguồn cung dư thừa, dẫn đến cạnh tranh trực diện bằng cách giảm giá vé. Khi đó hiệu quả khai thác kém, tiềm lực tài chính càng giảm.
Cần hỗ trợ đủ mạnh và kịp thời
Trong bối cảnh hiện nay, các hãng hàng không cần sự hỗ trợ đủ mạnh và kịp thời từ Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Vietjet đề xuất chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi đối với ngành hàng không, giảm mức thuế và kéo dài thời gian ưu đãi thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống 2.100 đồng/lít và giảm tiếp xuống mức 1.000 đồng/lít đến hết năm 2021. Hãng cũng kiến nghị kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh và dịch vụ điều hành bay… đến hết năm 2021.
Cùng với đó, để hỗ trợ cải thiện dòng tiền cho doanh nghiệp và người lao động, hãng kiến nghị việc dừng, giãn thời hạn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài, tiền thuê đất cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh đến hết năm 2021.
Cùng quan điểm trên, Vietnam Airlines còn kiến nghị Chính phủ hỗ trợ cho vay không lãi suất để trả lương. Vietnam Airlines cũng đề xuất tháo gỡ khung giá tối đa và chính sách giá vé linh hoạt nhằm tối đa hóa việc đi lại nhưng không hạ giá quá thấp để giảm sự cạnh tranh khốc liệt về giá giữa các doanh nghiệp; đồng thời không cấp phép bay cho các hãng hàng không mới cho tới năm 2024…
Bamboo Airways kiến nghị Chính phủ xem xét có gói tài chính hỗ trợ cho các hãng như đã phê duyệt hỗ trợ gói 12.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines để tạo động lực cân bằng cho các hãng.
Ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, các hãng hàng không là mũi nhọn về kinh tế, hứng chịu thiệt hại nhiều nhất nhưng lúc đứng dậy cũng phải là đầu tiên. Các hãng hàng không cần được cứu và Nhà nước cần phải có trách nhiệm như hỗ trợ cấp vốn, lãi suất, tránh việc các hãng “choảng nhau” để chung sức, đồng lòng vượt qua dịch.
Với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, ông Phạm Văn Hảo cho biết, Cục HKVN đang phối hợp với các hãng nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến Việt Nam với điều kiện kiểm soát dịch bệnh. Hiện đã có các chuyến bay thí điểm mô hình trọn gói, hành khách tự trả mọi chi phí bao gồm chi phí cách ly, xét nghiệm giữa Việt Nam và các quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt.
Sự hỗ trợ của Nhà nước trong thời điểm này có ý nghĩa vô cùng lớn đối với sự duy trì của ngành hàng không, giúp các hãng vượt qua giai đoạn khó khăn, sẵn sàng bứt phá ngay khi thị trường hồi phục.