Thực phẩm bẩn, nước hoa giả
Ngày 3-2, Đội Quản lý thị trường (QLTT) quận Thủ Đức (TPHCM) kiểm tra thùng container trong một bãi giữ xe ở phường Bình Chiểu, phát hiện bên trong chứa 300 bao nầm lợn (vú heo) đều đã bốc mùi hôi thối, với tổng trọng lượng hơn 10 tấn. Một cán bộ tham gia xử lý vụ này cho biết, chủ hàng là người không xa lạ gì với lực lượng thú y và QLTT, vì ông ta từng bị phát hiện vi phạm nhiều lần ở các địa điểm khác nhau. Bị phát hiện, tiêu hủy hàng và xử phạt, nhưng ông ta vẫn tiếp tục vi phạm, lần này chuyển địa bàn sang Thủ Đức “đánh quả” lớn. Sau nhiều ngày Đội QLTT quận Thủ Đức mật phục, 10 tấn nầm lợn thối đã bị phát hiện và kịp thời thu giữ, nếu không thì đã lên mâm trong các bữa tiệc tất niên, liên hoan tại các quán nhậu.
Điều kinh khủng là 10 tấn nầm lợn thối này còn nguyên bao bì, niêm phong với nhãn mác Trung Quốc, được vận chuyển qua biên giới phía Bắc và theo con đường Bắc - Nam vào đến TPHCM trót lọt.
Cũng vào đầu tháng 2, người tiêu dùng giật mình khi hay tin công an phát hiện hơn 8.000 lọ nước hoa mang tên những thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Tommy… được chế biến ở… quận Bình Tân (TPHCM); đường dây sản xuất, kinh doanh nước hoa giả này do một bà chủ mới 36 tuổi cầm đầu. Theo lời khai của đối tượng, nước hoa “hàng hiệu” được sản xuất bằng cách mua cồn và các loại hóa chất về pha chế tại một căn nhà thuê ở phường Bình Hưng Hòa B, rồi dán nhãn, đóng hộp thành phẩm không khác gì hàng thật, mang đi bỏ mối tại một số chợ. Không chỉ hơn 8.000 lọ thành phẩm, mà còn 150 lít cồn, 20.000 tem nhãn, 20 lít hóa chất… đã bị thu giữ, nếu không thì không biết bao nhiêu chai nước hoa giả sẽ tiếp tục lên kệ hàng tết.
Rượu giả cũng là mặt hàng đang tung hoành dịp cận tết. Từ mấy vụ bắt giữ rượu lậu ở Hà Nội cho thấy con tem chống rượu giả đã không còn tác dụng, vì tem cũng bị giả và hơn thế, rượu được làm giả từ nước ngoài.
Hàng không rõ xuất xứ
Chị Hương (nhà ở Long An) có ý định mua sắm bánh mứt mang về quê, nên chịu khó vào tận chợ An Đông, vì nghĩ nơi này là chợ đầu mối thì hàng hóa đảm bảo hơn. Đi về, chị kể: “Ngoài những bánh mứt đóng hộp có nhãn mác, nhiều sạp bán bánh kẹo, mứt, chà là… đựng trong từng bao lớn như hàng xá, nhìn thì ngon nhưng không bao bì, cứ nói là hàng ngoại”. Ngay ở chợ nhỏ như chợ Vườn Chuối (quận 3) cũng không khác hơn. Chiều ngày 6-2, vào chợ này thấy có nhiều sạp bán mặt hàng kiwi sấy khô, mứt dừa, khoai lang, củ sen, bí, gừng… ê hề, màu bắt mắt, nhưng đều là hàng xá, đựng trong từng bao lớn bằng giấy, được giới thiệu là “hàng nhà làm”. Một chị bán hàng giới thiệu chà là từ Ai Cập đựng trong thùng to, khô và ngon hơn chà là Ấn Độ, nhưng không hề có bao bì, nhãn mác.
Thực phẩm tươi sống như heo, gà, vịt là mặt hàng đang có sức mua mạnh nhất, đặc biệt tại các chợ nhỏ, chợ vùng ven, do nhiều người ngại vào siêu thị xếp hàng chờ đợi. Tại nhiều chợ nhỏ, ngày thường chỉ 3 - 4 sạp thịt heo, nhưng hiện nay có hàng chục sạp đang bày bán, trong đó nhiều sạp rao là “thịt Vissan đã qua kiểm dịch”. Nguồn thịt của các sạp này đều là thịt từ các tỉnh đổ về, nhất là từ Đồng Nai, có thịt đã qua kiểm dịch, nhưng hầu hết là không. Các mặt hàng “nhà làm”, không bao bì nhãn mác như tai heo ngâm giấm, kiệu, hành ngâm, lạp xưởng tươi, gà sấy lá chanh, khô bò… cũng tràn ngập các chợ lớn nhỏ, chợ lề đường.
Thị trường tết có sức mua cao, lượng hàng hóa dồn về rất mạnh. Hiện nay, mỗi ngày TPHCM tiêu thụ hơn 8.000 con heo và khả năng sẽ tăng nhiều hơn trong những ngày tới. Đó là chưa kể các nguồn thực phẩm khác tham gia thị trường tết đang tập kết về các chợ đầu mối Bình Điền, Nông sản Thủ Đức…, đã tăng 40% - 50% so với ngày thường. Việc kiểm soát là điều cần thiết nhưng không dễ dàng, dù các cơ quan chức năng như thú y, QLTT, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm… đã nỗ lực hết mình. Chuyện còn lại thuộc về người tiêu dùng. Lựa chọn thông minh trong thời điểm hiện nay là hàng hóa phải có nhãn mác, ghi rõ xuất xứ, thời gian bảo quản; không nên ham rẻ mua các mặt hàng hình thức đẹp mà không có xuất xứ rõ ràng.