Trước tình trạng hàng hóa nông sản đến kỳ thu hoạch nhưng thiếu nhân lực, nhiều nơi ùn ứ sản lượng rất lớn nhưng không tiêu thụ được, chiều 6-8, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông - thủy sản, sản phẩm chăn nuôi tại khu vực Nam bộ và Tây Nguyên năm 2021.
Chồng chất khó khăn về thị trường
Theo Bộ Công thương, từ tháng 7-2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhất là ở các thành phố lớn như TPHCM và các tỉnh ở phía Nam.
Để phòng, chống dịch bệnh, các địa phương phải tăng cường các biện pháp kiểm soát hoạt động thương mại, vận tải hàng hóa… nên tiêu thụ nông sản gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là hiện nay đang vào thời điểm thu hoạch rộ của nhiều loại trái cây như nhãn, cam, xoài, chôm chôm, mít…
Tại các vùng dịch, số ca mắc Covid-19 nhiều, các thương lái thu mua và nhân công gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển giữa các địa phương, khiến thương lái thu mua không nhiều hoặc không có người đến thu mua.
Nhiều cơ sở giết mổ thịt gia súc, gia cầm và chế biến thủy sản đóng cửa, hoạt động cầm chừng do thiếu công nhân lao động và nhân viên thú y kiểm soát do phải thực hiện quy định về phòng, chống dịch (thuộc đối tượng phải cách ly và phong tỏa). Chợ truyền thống đóng cửa dẫn đến các sản phẩm chăn nuôi gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản đang phải thực hiện giãn cách, không đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” phải dừng hoạt động để đảm bảo yêu cầu chống dịch, do vậy ảnh hưởng đến lượng thu mua nông, thủy sản. Hoạt động vận chuyển hàng hóa nông sản tăng chi phí, mất nhiều thời gian hơn so với giai đoạn dịch chưa bùng phát.
Trong khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng lan rộng tới nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Các nước nhập khẩu đã tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm soát, kiểm dịch nông sản, thủy sản của nước ta, gây ách tắc “đột ngột” về “đầu ra” cho hàng hóa xuất khẩu, gia tăng thêm nhiều áp lực cho việc tiêu thụ “ngược lại” tại thị trường trong nước, trong khi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã và đang phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc phải đóng cửa hệ thống các chợ đầu mối lớn và hệ thống chợ truyền thống tại TPHCM đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thu mua của hệ thống thương lái, ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông và tiêu thụ lượng hàng nông sản, thủy sản của các tỉnh, thành phố ở phía Nam.
Nông sản rất nhiều, khẩn cấp hỗ trợ thị trường
Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, thời điểm này, sản lượng gạo hàng hóa toàn vùng Nam bộ và Tây Nguyên cần tiêu thụ (nội địa và xuất khẩu) khoảng 3,7 triệu tấn; sản lượng rau và 14 loại cây ăn quả chủ lực toàn vùng cần tiêu thụ khoảng 7,8 triệu tấn (trong đó gồm xoài 355.000 tấn, chuối 563.000 tấn, thanh long hơn 1 triệu tấn, dứa (khóm) 246.000 tấn, bưởi 335.000 tấn, chôm chôm 164.000 tấn...); sản lượng thủy - hải sản cần kết nối tiêu thụ khoảng 112.000 tấn; thịt heo hơi khoảng 76.000 tấn, thịt gà khoảng 1.500 tấn, trứng trên 400 triệu quả...
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ hàng hóa, nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi ở Nam bộ và Tây Nguyên trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các địa phương cần khẩn trương rà soát từng chủng loại sản phẩm cần tiêu thụ, đưa ra giải pháp tiêu thụ tại chỗ, số còn lại sẽ phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, hệ thống thu mua, phân phối nông sản để tổ chức hỗ trợ thị trường.
Theo người đứng đầu Bộ Công thương, trong lúc này, phải xác định thị trường trong nước là chủ đạo, đồng thời, chúng ta vẫn phải tiếp tục giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, Australia… và tranh thủ xúc tiến các thị trường tiềm năng mới ở Nam Á và Đông Á với tinh thần không lệ thuộc vào một vài thị trường, để khẩn cấp tiêu thụ các sản phẩm nông sản hiện có tại Nam bộ và Tây Nguyên.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị nhanh chóng mở lại các chợ truyền thống và đề nghị các địa phương không tạo ra những quy định riêng gây khó khăn, cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ, hệ thống phân phối trên cả nước cùng vào cuộc, tiêu thụ nông sản, hàng hóa giúp nông dân tại Nam bộ và Tây Nguyên trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị: “Các địa phương phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản hoạt động trở lại, vì không ai có thể khẳng định khi nào dịch bệnh kết thúc, để đảm bảo có đủ hàng hóa, thực phẩm thiết yếu cho người dân”. |
Hàng hóa xuất khẩu không có virus SARS-CoV-2
Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản và nông sản đang rất khó khăn, lúng túng vì thiếu lao động thu hoạch nông sản, chế biến thủy sản khi thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội, nhiều nhà máy thủy sản có F0, công suất hoạt động giảm chỉ còn 50%, trong khi phần lớn công nhân chưa được tiêm vaccine.
Để tháo gỡ khó khăn do tình trạng thiếu nhân lực thu hoạch nông sản tại Nam bộ và Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và làm việc với Bộ Quốc phòng để huy động lực lượng quân đội tham gia hỗ trợ các địa phương thu hoạch, vận chuyển nông sản.
Tuy nhiên, đối với hàng hóa xuất khẩu thì các địa phương cần có hướng dẫn cụ thể về quy cách thu hoạch, chế biến, bảo quản... để đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm và đáp ứng quy trình ngăn ngừa lây lan dịch bệnh qua hàng hóa.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không hề có virus SARS-CoV-2 như một số thông tin lo ngại, song đề nghị cần phải có các tiêu chí và kiểm soát nghiêm ngặt quy trình thu hoạch, sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ để không xảy ra nguy cơ này, đảm bảo hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguồn gốc rõ ràng, có thể truy xuất theo quy định.