Hấp dẫn với nông sản, thực phẩm Việt
Đánh giá về nhu cầu thu mua nông sản, thực phẩm chế biến của nhà phân phối ngoại, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, cho biết, từ ngày 13 đến 16-11, các đối tác nhập khẩu đến từ các nước Hoa Kỳ, Nga, Hàn Quốc… và các tập đoàn thu mua, hệ thống siêu thị trong và ngoài nước như Walmart, Vinmart, CJ Freshway, CJ Cầu Tre, Lotte, BigC Việt Nam (thành viên Central Group), Aeon, Haro, Satra, Saigon Co.op, Vietsway (kinh doanh qua kênh thương mại điện tử)… sẽ có mặt tại TPHCM để tìm kiếm cơ hội thu mua hàng hóa từ hơn 300 doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, lương thực, thực phẩm trong nước.
Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, trước đó, trong chương trình xúc tiến thương mại năm 2018 dành cho lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, các hệ thống phân phối trên đã thực hiện hơn 800 lượt giao dịch trực tiếp, hơn 30 cuộc họp bàn giao thương về các mặt hàng cụ thể trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống.
Có khoảng gần 240 giao dịch được các đơn vị thu mua đánh giá ở mức tiềm năng cao hoặc khá, có thể xúc tiến sâu hơn và liên hệ trao đổi hướng hợp tác cụ thể sau chương trình. Đặc biệt, theo báo cáo của các đơn vị thu mua Lotte, Aeonmall, Vinmart và Saigon Co.op… thì có khoảng 21 lượt giao dịch trực tiếp tại chương trình có thể tiến tới ký kết hợp đồng.
Với số lượng đông đảo đơn vị thu mua nhất, đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc với các đơn vị thu mua như CJ CheilJedang, Samsung SF Holding, Green Trade, Jinsung F.M, KBridge, Tomorrow Trading, Dongwon F&B, Sweet Potato Factory Story... đánh giá mức độ hài lòng với kết quả giao dịch đạt 83%.
Các sản phẩm nông sản, rau củ, trái cây tươi, sấy khô, sản phẩm đông lạnh, trà, cà phê, thực phẩm đóng hộp, đồ uống, thịt gia súc gia cầm, thủy sản, bánh kẹo, bao bì thực phẩm… là những mặt hàng có số lượng đơn hàng thu mua nhiều nhất. Các doanh nghiệp Nga quan tâm đến các mặt hàng hoa quả tươi, sấy dẻo, nước hoa quả nhiệt đới, nước chấm, cà phê, chè của Việt Nam cũng đánh giá cao hiệu quả kết nối của chương trình.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông - Nga cho biết, trong thời gian tới nếu khả năng chi trả của người tiêu dùng Nga cao hơn thì chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh việc xuất khẩu hàng thực phẩm - đồ uống sang thị trường này.
Đặc biệt, Vietsway - đơn vị thu mua phát triển kinh doanh qua các kênh thương mại điện tử nổi tiếng của E-commerce đang tiến hành nghiên cứu hình thức hợp tác phù hợp với từng nhóm mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, đồ uống, nước giải khát cụ thể của doanh nghiệp nội nhằm tăng khả năng thu mua và phân phối trên kênh thương mại điện tử toàn cầu. Về phía Tập đoàn thu mua Walmart của Hoa Kỳ, việc họ tiếp tục tham gia trong năm nay đã thu hút sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp Việt Nam.
Chuẩn hóa chất lượng, tăng thị phần ngoại
Cũng theo bà Thủy, mức độ quan tâm đến nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam với hệ thống phân phối ngoại rất lớn. Điều này xuất phát từ thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới rất ưa chuộng hàng Việt. Mặt khác, trong thời gian qua, nhờ những nỗ lực cải thiện hình ảnh, thương hiệu, nhiều sản phẩm Việt đã từng bước tạo dựng được uy tín trên thị trường quốc tế.
Các doanh nghiệp cũng không ngừng nỗ lực chuyển đổi sản xuất nhằm hướng tới gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, giảm tỷ lệ xuất khẩu thô và phải vay mượn thương hiệu của đối tác trên thị trường thế giới.
Đồng thuận quan điểm trên, đại diện tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ khẳng định, hiện có 1.938 thương hiệu của Việt Nam đã đăng ký và có 1.090 thương hiệu đang tồn tại được Cục Sáng chế và Bảo vệ thương hiệu Hoa Kỳ (USPTO) bảo hộ. So với các nước, vùng lãnh thổ xếp sau Việt Nam về kim ngạch nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ như Đài Loan, Singapore, Malaysia… thì số thương hiệu được bảo hộ thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, những nỗ lực của doanh nghiệp trong nước sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 10 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 217,05 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, những mặt hàng nông sản thực phẩm như thủy hải sản, rau củ quả, cà phê, hạt điều… vẫn tiếp tục đà giảm.
Điều này xuất phát từ việc doanh nghiệp sản xuất trong nước chưa bắt kịp với những rào cản kỹ thuật mà nhiều thị trường thế giới đang dựng lên. Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp trong nước có quy mô sản xuất vừa và nhỏ nên nội lực xuất khẩu còn nhiều hạn chế.
Do vậy, việc xúc tiến kết nối giao thương với các hệ thống phân phối ngoại có thể giải quyết bài toán khó bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng xuất khẩu tại chỗ, giảm thiểu rủi ro khi đưa hàng ra nước ngoài. Ở góc độ khác, đại diện hệ thống phân phối ngoại cho biết, các doanh nghiệp Việt đang có nội lực sản xuất tốt, có thể đáp ứng các đơn hàng cung ứng lớn.
Thế nhưng, để trở thành nhà cung cấp quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp cần lên kế hoạch để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng, hình thức bao bì sản phẩm. Có như vậy mới đảm bảo duy trì bền vững những đơn hàng xuất khẩu tại chỗ cũng như nước ngoài.