Hàng hóa dồi dào
Cuối tuần, chị Ngô Thị Miên (ngụ đường Gò Dầu, quận Tân Phú, TPHCM) thong thả mua sắm tại một siêu thị gần nhà. “Những năm trước, thời điểm này vợ chồng tôi thường bận rộn tay xách nách mang đủ loại, mua tích trữ dùng dần vì lo tết không ai bán. Tuy vậy, năm nay thấy đầy ắp hàng hóa, không lo thiếu nên chỉ mua đủ dùng, thiếu thì mua tiếp để vừa tiết kiệm lại vừa văn minh”, chị Miên chia sẻ.
Nhiều người có tâm lý bình thản mua sắm tết như chị Miên bởi hầu hết hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết từ sớm và dồi dào, nhất là những mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn, dầu ăn… Đại diện Công ty Vissan cho biết, giá trị cung ứng hàng hóa dịp tết năm nay hơn 710 tỷ đồng, gồm 2.500 tấn thực phẩm tươi sống, 4.150 tấn thực phẩm chế biến các loại, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh hệ thống siêu thị, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki cũng đẩy mạnh liên kết, cải tiến cách tiếp cận khách hàng thông qua đầu tư bao bì ấn tượng, chọn lọc sản phẩm quà tặng theo hướng xanh, sạch, an toàn… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng dịp tết. Trong khi đó, các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM cũng cam kết đủ nguồn hàng phục vụ người dân.
Chẳng hạn, trong những ngày cận tết, chợ đầu mối Bình Điền tăng khoảng 20% số lượng hàng so với ngày thường, riêng các ngày cao điểm (26 và 27 tháng Chạp), sản lượng có thể tăng từ 30%-50%, đạt mức 3.500-4.500 tấn/đêm. Trong đó, các mặt hàng trái cây, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả dự báo tăng cao gấp nhiều lần so với ngày thường.
Riêng mặt hàng hoa tươi được dự báo tăng khá mạnh, gấp 30 lần (từ 150-200 tấn) so với ngày thường. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, ban quản lý chợ dự báo từ ngày 25 đến 30 tháng Chạp tăng khoảng 10% hàng hóa so với ngày thường. Đối với ngành hàng thịt heo, vào ngày 29 tháng Chạp dự kiến tăng 100%, đạt 670 tấn/ngày đêm.
“Chúng tôi cam kết đảm bảo nguồn hàng cung cấp đủ cho nhu cầu của thị trường, góp phần ổn định giá cả cho thành phố trong dịp Tết Quý Mão”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, khẳng định.
Khách chọn mua thực phẩm tết tại một siêu thị tại quận 12, TPHCM. Ảnh: THI HỒNG |
Hoa kiểng độc, lạ có giá cao
Dọc một số tuyến đường như Thành Thái nối dài (quận 10), Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức)… thời điểm này đã xuất hiện nhiều mặt hàng hoa, cây kiểng độc đáo, lạ mắt nhưng giá khá cao.
Cụ thể, giá bưởi diễn (Hưng Yên) dao động từ 6-10 triệu đồng/cây; với cây lớn, trái đẹp, có thế cảnh lạ như song thân, tam thân…, giá từ 30-70 triệu đồng/cây. Bên cạnh đó, năm nay một số cửa hàng tại TPHCM đã chào bán các chậu lan hồ điệp trồng trên gỗ lũa, với kiểu dáng độc đáo, lạ mắt có giá khoảng 15 triệu đồng/chậu.
Nỗ lực bình ổn giá
Thời điểm này chưa phải cao điểm mua sắm tết, nhưng một số tiểu thương cho hay, giá chuyên chở các loại đã tăng đáng kể mặc dù giá xăng giảm. Chị N.T., tiểu thương tại chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM), cho biết, trước đây, một chuyến xe 4 bánh chở 500kg hàng từ chợ Bình Tây về chợ Bến Thành khoảng 100.000 đồng, nhưng nay tăng giá lên 150.000 đồng. Với xe 2 bánh, giá chở hàng từ ngã ba Củ Cải - Nguyễn Thị Sóc (chợ đầu mối Hóc Môn) về chợ Bến Thành đã tăng từ 70.000 đồng lên 110.000 đồng.
Qua ghi nhận, chi phí vận chuyển tăng khiến một số mặt hàng tại khu vực chợ Nhật Tảo (quận 10), chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)… đã tăng giá từ 5%-10% so với thời điểm cách nay hơn 1 tháng.
Để giảm bớt áp lực giá cả, hỗ trợ người tiêu dùng, mới đây UBND TPHCM ban hành kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm.
Theo đó, tổng lượng hàng hóa dự trữ hơn 30.000 tấn, tăng 15%-30% so với cùng kỳ năm 2022, với tổng trị giá khoảng 22.000 tỷ đồng. Dự kiến lượng hàng nhập về các chợ đầu mối tăng 80% so với ngày thường. Trong đó, hàng hóa của doanh nghiệp bình ổn thị trường chiếm 25%-43%; hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, các chợ… chiếm 57%-75% nhu cầu thị trường.
Sở Công thương TPHCM thông tin, phần lớn hàng hóa cung ứng cho thành phố đến từ nguồn của các tỉnh thành. Chính vì thế, ngành công thương đã đẩy mạnh kết nối cung - cầu, cùng các tỉnh thành đưa thực phẩm an toàn phục vụ người dân TPHCM dịp Tết Quý Mão.
Song hành cùng chính sách bình ổn giá của thành phố, một số hệ thống siêu thị như Co.opmart, BigC, Go!, MM Mega Market, Emart… cũng đang có các chương trình khuyến mãi, trợ giá cho khách hàng, với mức giảm từ 5%-50%, cung ứng hàng qua nhiều kênh phân phối.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết, dự đoán sức mua tết năm nay tăng trên 30% so với cùng kỳ nên hệ thống siêu thị đã tăng diện tích trưng bày hàng hóa, đẩy mạnh cung cấp hàng tết qua kênh thương mại điện tử.
Ông Tsàn A Sìn, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền, nhận định, một số mặt hàng tăng giá rơi vào nhóm dùng nhiều vào dịp tết như hải sản (cá thu, cá ngừ, tôm sú sống, mực tươi), trái cây, hoa tươi… Các mặt hàng này có thể tăng giá từ 10%-30%. Nhóm mặt hàng còn lại chỉ biến động giá nhẹ, một số ít giảm giá do sản lượng về nhiều.
“Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thương nhân ổn định giá cả, không lợi dụng thời điểm tết để nâng giá, trục lợi; đảm bảo bán đúng giá niêm yết”, ông Tsàn A Sìn khẳng định.