Tại cuộc hội thảo trực tuyến với chủ đề "Duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch Covid-19 – Vấn đề và giải pháp" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 4-8, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, cần bỏ khái niệm “thiết yếu” trong các quy định về lưu thông hàng hoá, nguyên vật liệu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh.
Điểm mấu chốt ở đây là đảm bảo hàng hoá lưu chuyển không đem theo nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Mọi hàng hoá, nguyên vật liệu “sạch” dịch bệnh đều phải được tạo điều kiện lưu thông thuận tiện nhất có thể.
“Các doanh nghiệp ủng hộ việc tiết giảm sản xuất kinh doanh để phòng chống dịch bệnh, nhưng cũng phải tính đến việc chúng ta phải chung sống với dịch lâu dài, không thể để sản xuất đình trệ, đóng băng mãi được”, ông Hiếu quan ngại. Một khi chuỗi cung ứng hàng hoá bị đứt gãy, thì đó không chỉ là đứt gãy tạm thời, mà các “bạn hàng”, đối tác rất có thể sẽ một đi không trở lại.
Trong khi đó, bà Đỗ Thuý Hương, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam kiến nghị, Chính phủ và các bộ ngành cần thay đổi quan điểm, coi các doanh nghiệp như một trong những lực lượng chủ chốt cùng phối hợp phòng chống dịch thay vì là đối tượng chịu sự kiểm soát của chính quyền về phòng chống dịch.
Thay đổi cách tiếp cận theo hướng trên, theo nữ doanh nhân, sẽ vừa giảm tải cho nhà nước, vừa tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có cơ hội khôi phục sản xuất nhanh nhất.
“Không ai khác ngoài doanh nghiệp có thể tự quyết làm gì, làm như thế nào, không nhất thiết là tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" hay "1 cung đường, 2 địa điểm". Chính quyền cần xây dựng, hướng dẫn quy trình chuẩn cho từng trường hợp để doanh nghiệp tuân thủ và để cho doanh nghiệp chủ động tổ chức phòng chống dịch”, bà Hương phát biểu.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam tán thành quan điểm của ông Phan Đức Hiếu về việc cần có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp để giảm thiểu rủi ro doanh nghiệp bị “quy tội” làm lây lan dịch bệnh và giúp người lao động an tâm làm việc.
Tại cuộc hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đề nghị áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác này.
Theo bà Đỗ Thuý Hương, việc khai báo thủ công rất mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng vaccine. Nếu các phần mềm khai báo y tế (hiện đã có, nhưng không được cập nhật, kém chính xác) được sử dụng triệt để thì ngay cả khâu khám sàng lọc ban đầu cũng có thể đơn giản hơn, tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều.
Vẫn nữ doanh nhân khuyến nghị sớm cho khu vực y tế tư nhân đủ điều kiện cùng tham gia công tác tiêm chủng, đồng thời ngỏ ý sẵn sàng đóng góp chi phí phát sinh ngoài tiền mua vaccine nếu chủ trương này được chấp nhận, góp phần đẩy nhanh tiến độ “phủ” vaccine.
Tất cả các kiến nghị này sẽ được tập hợp, gửi đến Chính phủ và Quốc hội trong thời gian sớm nhất.