Hàng hóa lưu thông nhanh chóng, an toàn mùa dịch: Cốt lõi là công tác chuẩn bị tốt
SGGP
Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa chỉ lưu thông trong nội tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16 hoặc bổ sung ở mức cao hơn thì không phải kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2, chỉ đạo này đã được Bộ Y tế, Bộ GTVT và bộ ngành liên quan, các địa phương quán triệt từ ngày 19-7. Thế nhưng, phản hồi từ thực tế cho thấy, vẫn còn không ít vướng mắc. PV Báo SGGP đã ghi nhận các ý kiến xung quanh vấn đề này.
Anh VÕ VĂN TÙNG, tài xế: Xe đi lẻ gặp nhiều khó khăn
Hiện xe chở hàng hóa thiết yếu lưu thông qua trạm kiểm dịch ở các tỉnh thành phía Nam phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vẫn được yêu cầu kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Cụ thể, tôi chở mì gói từ KCN Tân Bình (TPHCM) đi giao tại các tỉnh miền Tây Nam bộ. Khi vào TP Cần Thơ, bị kiểm tra giấy test nhanh âm tính Covid-19, bằng lái, lịch trình di chuyển. Do tôi chuẩn bị đủ giấy tờ nên chỉ mất 5-10 phút để qua chốt. Tôi đi tỉnh Đồng Tháp hướng Quốc lộ 30 (xã An Bình, huyện Hồng Ngự), các chốt tại đây vẫn buộc có test nhanh, xét nghiệm PCR âm tính hoặc tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 với tất cả lái xe ra vào tỉnh, nếu không xuất trình đủ các giấy tờ trên, sẽ buộc phải quay đầu.
Tài xế Võ Văn Tùng
Đồng nghiệp của tôi chở hàng rau, quả từ tỉnh Tiền Giang lên TPHCM cũng bị tỉnh Tiền Giang kiểm tra các giấy tờ nêu trên. Thế nhưng, đối với doanh nghiệp (DN) lớn có nhiều đầu xe, thủ tục, giấy tờ cần thiết được đơn vị chuẩn bị đầy đủ nên hầu như không gặp khó khăn gì. Như một đơn vị vận tải chuyên sản xuất, vận chuyển các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, tài xế thường giao hàng tại các cảng, được công ty chuẩn bị giấy tờ cần thiết nên khi đi không gặp trở ngại. Hay như Công ty CP Thực phẩm Tấn Tài ở Tiền Giang, chuyên sản xuất, vận chuyển rau quả, mỗi ngày đều có khoảng 20 chuyến xe chở hàng hóa cung cấp cho TPHCM. Việc giao hàng đều thuận lợi do công ty thực hiện đầy đủ quy định cho lái xe, phụ xe như giấy xét nghiệm âm tính với SARS CoV-2 và các thủ tục khác …
Theo tôi biết, các tài xế đi lẻ như tôi hầu hết thuộc các HTX vận tải. Phần lớn HTX vận tải không can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của xã viên - chủ phương tiện nên tình huống này cơ bản chủ phương tiện, tài xế phải tự lo giấy tờ, thủ tục đi lại. Vì thế, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong vận chuyển hàng hóa qua các địa phương khi vẫn yêu cầu giấy xét nghiệm.
Ông NGUYỄN VĂN QUYỀN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Các HTX vận tải cần hỗ trợ làm giấy xét nghiệm
Hiện nay, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ GTVT về ưu tiên cho đội ngũ lái xe trong phòng dịch Covid-19 đã rất rõ ràng, bao gồm việc xét nghiệm, không thực hiện cách ly đối với lái xe đã có giấy xét nghiệm âm tính, nhằm đảm bảo vận tải hàng hóa được thông suốt. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có ý kiến và đã được Bộ Y tế chấp nhận, chỉ đạo các địa phương phải bố trí điểm xét nghiệm, lấy mẫu, trả kết quả ở những nơi như trạm dừng nghỉ, cây xăng,… đồng thời ưu tiên xét nghiệm cho đội ngũ lái xe. Hiện, trạm y tế phường cũng được lấy mẫu, xét nghiệm, trả kết quả test nhanh. Tuy nhiên, chúng tôi nhận nhiều thông tin phản ánh từ lái xe là các địa phương có những chỉ đạo khác nhau, gây khó khăn cho hoạt động vận tải. Về việc này, chúng tôi tiếp tục kiến nghị các địa phương đưa ra những chỉ đạo thống nhất, tạo thuận lợi hơn nữa cho đội ngũ lái xe.
Ông Nguyễn Văn Quyền
Đặc biệt, việc nhiều lái xe ở khu vực phía Nam gặp khó khăn trong việc lấy giấy xét nghiệm, dẫn đến không có giấy hoặc giấy hết liệu lực, cản trở hoạt động vận tải hàng hóa. Chúng tôi đã khuyến khích các DN và HTX vận tải bố trí người làm đầu mối tập hợp nhu cầu, làm việc với cơ quan y tế để cấp giấy xét nghiệm nhanh nhất, thuận lợi nhất cho lái xe. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một số DN, HTX làm được việc này, còn lại các lái xe phải chủ động làm. Cái khó là, ở phía Nam có nhiều HTX vận tải, hoạt động theo quy chế, điều lệ của mô hình HTX, trong điều lệ lại không có quy định nào bắt buộc HTX phải bố trí người đứng ra làm đầu mối phối hợp với ngành y tế giải quyết các nhu cầu thủ tục liên quan cho lái xe. Do đó, chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý địa phương tuyên truyền, khuyến khích các HTX vận tải cần thể hiện vai trò, trách nhiệm đồng hành, kịp thời hỗ trợ lái xe trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Về lâu dài, tôi cho rằng, trong tiến trình hoàn thiện các quy định quản lý mô hình HTX nên tính đến việc điều chỉnh, bổ sung phù hợp với những diễn biến mới trong thực tế, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của HTX trong quản lý hoạt động vận tải.
Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1: Không có tác dụng, gây lãng phí
Giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính Covid-19 cho tài xế vận chuyển hàng hóa để thông hành thực chất không có tác dụng gì và mới đây Bộ Y tế đề xuất bỏ là đúng. Giấy chứng nhận chỉ có tác dụng lúc lấy mẫu. Lúc thử không có virus, âm tính không có nghĩa là 1 giờ sau không có virus, 2 giờ sau thậm chí 1 ngày sau không có. Có thể khi tài xế lấy mẫu âm tính nhưng một thời gian ngắn tiếp xúc, giao tiếp với người mang virus, vẫn có thể nhiễm virus. Việc áp dụng giấy chứng nhận âm tính để khẳng định không mắc Covid-19 trong thời gian dài (3 ngày theo quy định của Bộ Y tế - PV) là không có cơ sở. Điều này gây lãng phí, tụ tập xét nghiệm lấy mẫu gây nguy cơ lây nhiễm, thậm chí phát sinh giấy chứng nhận giả… nên cần bỏ là đúng.
Bác sĩ Trương Hữu Khánh
Điều cần làm là bắt buộc tài xế cam kết suốt quá trình di chuyển tuân thủ 5K; chủ phương tiện giám sát bằng camera hành trình và yêu cầu tài xế không dừng đậu; đăng ký cung đường để tiện giám sát và chỉ di chuyển trên cung đường đó. Trường hợp tài xế nào vi phạm thì xử phạt. Điều này sẽ có ý nghĩa hơn nhiều. Và quan trọng là cần tiêm chủng cho tài xế càng sớm càng tốt để họ có thể yên tâm công tác.
Khẩn trương cấp thẻ nhận diện phương tiện
Trước tình trạng nhiều phương tiện vận tải không đủ điều kiện lưu thông nhanh trên “luồng xanh” quốc gia, gây ùn ứ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, ngày 21-7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị sở GTVT các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện cấp thẻ nhận diện kèm mã QR code cho các phương tiện.
Các phương tiện trong diện được cấp thẻ bao gồm: xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu; hàng hóa phục vụ sản xuất; xe phục vụ phòng chống dịch; xe vận chuyển người lao động, chuyên gia; xe vận chuyển người từ vùng dịch về các địa phương. Việc đăng ký cấp thẻ thực hiện trực tuyến tại địa chỉ www.luongxanh.drvn.gov.vn. Các sở GTVT tiếp nhận thông tin, giải quyết và trả kết quả không quá 24 giờ. Kết quả sẽ được hệ thống gửi tự động về địa chỉ email đã đăng ký hoặc truy cập vào tài khoản do đơn vị đăng ký trên hệ thống. Đơn vị vận tải tự in giấy nhận diện phương tiện kèm theo mã QR code dán trên kính xe nhằm tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng tại các chốt. Đối với các phương tiện vận chuyển nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh... in bổ sung thêm nhãn “hàng mau hỏng” trên giấy màu vàng, đóng dấu treo của đơn vị. Riêng đối với phương tiện chở hàng hóa được ưu tiên chỉ lưu thông giữa các địa phương trong khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16 thì không cần đăng ký, không cần dán thẻ nhận diện phương tiện trên xe.
Cùng ngày, trao đổi với PV Báo SGGP, đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết, nhằm tạo điều kiện để hàng hóa được lưu thông thuận tiện trên địa bàn TPHCM trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Sở GTVT TPHCM phối hợp với Sở Công thương TPHCM hướng dẫn, tổ chức cho xe tải nhẹ chở hàng thiết yếu được lưu thông 24/24 giờ trên địa bàn thành phố. Xe vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh vào TPHCM, tài xế thực hiện theo quy định của Sở Y tế TPHCM.