Hàng hóa dồi dào, sẵn sàng phục vụ Tết 2025

Hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ 45 tỉnh thành trong cả nước đã góp mặt tại Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa TPHCM với các địa phương năm 2024, do UBND TPHCM phối hợp Bộ Công thương tổ chức ngày 26-9. Đủ loại đặc sản vùng miền “đổ” về Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ (đường Lữ Gia, quận 11) để giới thiệu đến người tiêu dùng suốt 4 ngày diễn ra sự kiện (từ ngày 26 đến 29-9).

Không sợ thiếu hàng

Dạo một vòng quanh các gian hàng trưa 26-9, chị Nguyễn Thị Minh Hiên, ngụ quận Bình Thạnh, cho biết, hàng đặc sản các vùng miền rất nhiều, phong phú chủng loại. Chẳng hạn, thịt trâu gác bếp có giá 800.000-900.000 đồng/kg; chuối sấy dẻo, ô mai sấy dẻo 35.000-40.000 đồng/gói; chẩm chéo, táo mèo có giá từ 25.000-40.000 đồng/hộp...

Bên cạnh đó, một số mặt hàng như lạp xưởng hun khói, bánh Pẻng phạ, thịt muối chua, gạo nếp Mộc Châu, tỏi Lý Sơn, mật ong Tây Bắc, nem Lai Vung, hạt điều Bình Phước... cũng được khách quan tâm nhiều.

Tại gian hàng đặc sản trâu gác bếp của bà Lò Thị Sương (tỉnh Điện Biên), càng về chiều, người dân, du khách đến tìm mua càng nhiều. Chủ gian hàng liên tục nghe điện thoại chốt đơn hàng cũng như thông tin cho những vị khách quan tâm đến món đặc sản này. Thịt trâu đều là hàng tuyển, chất lượng. Nếu khách mua từ 5kg trở lên sẽ được chiết khấu giá tốt. Chúng tôi cũng nỗ lực giữ giá ổn định vào các dịp lễ, tết”, bà Lò Thị Sương vui vẻ cho biết.

!5c.jpg
Khách hàng chọn mua các loại sâm tại gian hàng của tỉnh Kon Tum, trưa 26-9. Ảnh: THI HỒNG

Từ đầu năm nay, ngành công thương TPHCM đã có kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường dịp cao điểm cuối năm và Tết Ất Tỵ 2025, thu hút khoảng 70 doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tham gia như Saigon Co.op, Satra, Central Retail, MM Mega Market, Aeon, Vinamilk, Nutifood, Vissan… Nhìn chung, tổng lượng hàng bán ra được ổn định giá cả, chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của “siêu đô thị” TPHCM.

Sở Công thương TPHCM thông tin, lượng hàng bình ổn thị trường năm 2024 tăng 4%-6% so với năm 2023, chiếm 21%-32% thị phần trong tháng thường, chiếm 24%-41% nhu cầu thị trường trong tháng tết; đủ sức điều tiết thị trường.

Năm nay, Hội nghị Kết nối cung - cầu có sự tham dự của nhiều địa phương, nhất là có đơn vị đến từ vùng bão lũ vừa qua như Bắc Kạn, Điện Biên và các tỉnh thành: Long An, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Tây Ninh, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Quảng Nam... Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn, chia sẻ, lượng hàng hóa phục vụ Tết 2025 dự báo không bị ảnh hưởng nhiều, có thể chủ động cung ứng hàng hóa cho bà con trên địa bàn.

Tuy nhiên, với các tỉnh lân cận bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, việc phục hồi các vườn rau củ quả, đàn gia súc, gia cầm sẽ mất nhiều thời gian hơn. Vì vậy, sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp “đầu đàn” rất cần thiết nhằm giúp tốc độ phục hồi ở vùng tâm bão diễn ra nhanh hơn.

Phát triển chuỗi thực phẩm an toàn

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, hệ thống các siêu thị (GO!, BigC...) trực thuộc tập đoàn luôn tích cực tham gia chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TPHCM. Central Retail đề cao yêu cầu kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ đầu vào cũng như suốt quá trình phân phối hàng hóa đến khách hàng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nếu phát hiện sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, đơn vị sẽ lập tức ngưng lưu hành sản phẩm đó trong hệ thống. Đồng thời, báo cáo Sở Công thương và thông tin đến các nhà phân phối khác để kiểm tra, ngăn chặn sản phẩm tương tự tiếp tục được lưu thông. Quá trình xử lý nhanh chóng, chậm nhất là trong vòng 24 giờ từ khi phát hiện vi phạm.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, chia sẻ, chương trình Kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TPHCM, còn gọi là “Tick xanh trách nhiệm” được triển khai từ tháng 3-2024.

Hiện tại, ngoài 8 hệ thống bán lẻ (Saigon Co.op, Satra, Aeon, MM Mega Market, Central Retail, Bách hóa Xanh, Wincomerce và Kingfood Market) đã ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa bán tại 8 hệ thống này, các doanh nghiệp, người dân cũng rất quan tâm đến chương trình này. Mục tiêu định hướng hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững với sự tham gia tự nguyện, chủ động của các chủ thể trong chuỗi cung ứng, từng bước hướng đến xuất khẩu hàng hóa vào thị trường khó tính.

!1b.jpg
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trao đổi với các bạn trẻ tại phiên livestream bán hàng, trưa 26-9. Ảnh: HÂN GIA

Tham dự hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhận định, việc xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững không chỉ dừng lại ở kết nối giữa người mua và người bán, mà phải là kết nối nâng cao trách nhiệm của nhà cung cấp, nhà bán lẻ, người tiêu dùng cũng như cơ quan quản lý nhà nước...

Đồng chí Võ Văn Hoan yêu cầu Sở Công thương TPHCM tập trung các giải pháp sau kết nối như hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ cung ứng, giải quyết các khó khăn về công nợ, phương thức giao hàng, thanh toán, tồn kho… Đẩy mạnh tổ chức hoạt động kết nối trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm; giúp doanh nghiệp phát triển thị trường thông qua kênh bán hàng thương mại điện tử, bán hàng thông qua mạng xã hội…

Thứ trưởng Bộ Công thương TRƯƠNG THANH HOÀI:

Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm

Bộ Công thương đề nghị các tỉnh thành, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng xanh, an toàn nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao ở thị trường nội địa cũng như định hướng xuất khẩu. Bên cạnh đó, các đơn vị cần lan tỏa, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn thông qua các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội... Song song đó, lực lượng liên ngành, quản lý thị trường lưu ý công tác hậu kiểm thông qua việc kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục