Theo Cục Hải quan TPHCM, vùng Đông Nam bộ là một trong những vùng kinh tế năng động nhất, quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước với 35% GRDP, hơn 40% thu ngân sách, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn là khu vực tập trung hạ tầng và dịch vụ logistics quan trọng, với hàng chục ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ, đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa và khối lượng hàng container cả nước.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Theo Cục Hải quan TPHCM, đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TPHCM xây dựng chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP; nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10 đến 15%. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông tại TPHCM nói riêng và cả vùng Ðông Nam bộ đang thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí về logistics của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, cục xây dựng và đưa vào thực hiện đề án tạo thuận lợi thương mại trong thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái. Công nghệ đòi hỏi chính xác cao từ tờ khai của các đơn vị nên giảm rất nhiều tình trạng buôn lậu. Hiện tờ khai đang gặp một số khó khăn do nếu sai tờ khai sai cần phải cục hải quan nơi đó chỉnh sửa. Vì vậy, một số hàng hoá còn chậm thủ tục thông quan.
Về phía doanh nghiệp, ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung Tâm Dịch Vụ Logistics (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) cho biết, một số vướng mắc tồn đọng về thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành chưa phù hợp, quy định còn chồng chéo, chính sách chưa kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics trong thực tiễn; thiếu cơ chế để tạo ra sự liên kết, kết nối thực chất giữa các địa phương.
Nhằm ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh, cần sớm có các dự án nạo vét hệ thống kênh rạch; Chính phủ cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics. Ngoài ra, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao về logistics cũng đang là rào cản khiến cho hoạt động này chưa thật sự phát triển.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải liên kết vùng để tránh tình trạng địa phương này thu phí cảng biển, tỉnh khác không thu phí. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ chuyển hoạt động về tỉnh không thu phí. Các doanh nghiệp cần phải có tính chủ động từ phương tiện, kết nối, công suất… TPHCM cần phải xây dựng trung tâm công nghệ cao, doanh nghiệp tập trung nhân lực, chuyển đổi số, hoàn thiện quy trình…