Người dùng... lãnh đủ
Chai nước hoa hết cách nay vài tuần vẫn chưa kịp mua mới thì tình cờ chị N.P.K. (ngụ đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TPHCM) phát hiện phiên livestream bán hàng mỹ phẩm khuyến mãi 50%-70% nhân dịp lễ 30-4 và 1-5. Các loại hàng hiệu như Chanel, Gucci… loại 50ml giá chỉ từ 400.000-600.000 đồng/chai, trong khi tại các cửa hàng, trung tâm thương mại bán hàng chính hãng có giá từ 2 triệu đồng/chai trở lên. “Tôi chọn mua 1 chai nhãn hiệu Gucci giá 600.000 đồng, nhưng người bán không xuất hóa đơn chứng từ. Khui dùng liền tôi thấy không đúng mùi hay dùng, vùng da dính nước hoa bị sần, ửng đỏ… Tiếc tiền nhưng tôi vẫn phải vứt bỏ vì mua phải hàng dỏm, nếu tiếp tục dùng có nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe”, chị P.K. cho hay. Tương tự, một số mặt hàng son môi, phấn nền, kem chống nắng… thuộc nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cũng bị làm giả, bán rải rác tại thị trường Việt Nam dưới danh nghĩa hàng “xách tay”… Anh V.T.V. (ngụ quận 3, TPHCM) chia sẻ, hôm trước, anh mua tặng người yêu một tuýp kem chống nắng Nhật Bản có giá khuyến mãi 300.000 đồng (giá gốc 700.000 đồng), nhưng người yêu dùng thử thì phát hiện dung dịch chống nắng bị vón cục, sản phẩm có dấu hiệu bị làm giả khi không in hạn sử dụng, nắp vặn thay vì nắp bật như hàng cùng loại…
Không riêng các mặt hàng xa xỉ phẩm, ngay một số đồ ăn thức uống, đặc sản địa phương cũng bị làm nhái khá nhiều. Tại phiên livestream bán trái cây, đặc sản của huyện Cần Giờ (TPHCM) mới đây được đánh giá thành công vang dội, đơn hàng chốt liên tục, đặc biệt là cơ hội quảng bá đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, ngay sau đó, một số hàng đặc sản như xoài cát, khô cá dứa… nhanh chóng bị làm nhái, giả mạo thương hiệu của Cần Giờ khiến người tiêu dùng bức xúc do mua nhầm. Chẳng hạn, khô cá dứa Cần Giờ có giá từ 500.000-600.000 đồng/kg, nhưng khô cá dứa giả mạo thương hiệu chỉ có giá từ 140.000-200.000 đồng/kg… Anh N.N.A. (ngụ TP Hà Nội) bức xúc: “Lần đầu nướng khô cá dứa Cần Giờ lên ăn thấy rất ngon nên sau đó tôi đặt qua mạng mua khá nhiều để làm quà tặng người thân và lãnh đạo đơn vị, ai ngờ lại trúng hàng giả mạo. Sau khi dùng, mọi người phản hồi rằng, món cá này không ngon như loại họ từng thưởng thức khiến tôi rất ngượng và xấu hổ. Trao đổi với nơi bán họ phủi bay trách nhiệm, đổ lỗi cho chúng tôi không biết cách bảo quản, trong khi so sánh giá bán thì tôi biết mình đã bị lừa vì ham hàng rẻ”.
Một cán bộ quản lý thị trường TPHCM cho biết, hiện hàng dỏm tràn lan mọi ngóc ngách. Có những kho hàng lớn, khi lực lượng chức năng ập vô kiểm tra phát hiện quy mô chứa hàng khủng, với đủ loại hàng hóa “thượng vàng hạ cám”… Tất cả bao bì, mẫu mã sản phẩm đều giống như thật mặc dù phần lớn là hàng giả mạo thương hiệu, bán ra thị trường với giá rẻ. Vị cán bộ này thừa nhận nhiều lần chứng kiến chủ sở hữu các thương hiệu lớn trên thế giới phải lúng túng khi tìm cách phân biệt hàng thật - hàng giả trên thị trường. Chính các thương hiệu cũng xác nhận, những đối tượng làm giả hàng hóa ngày càng đạt đến mức tinh vi!
“Hạ gục” doanh nghiệp
Giám đốc kinh doanh của một thương hiệu hóa mỹ phẩm nước ngoài tại TPHCM tâm sự, phần lớn hàng hóa bị làm giả sẽ được tiêu thụ ở khu vực ngoại thành, các vùng nông thôn... Người dân thấy sản phẩm được quảng cáo nhiều trên truyền thông và bán giá rẻ nên sẵn sàng ủng hộ mà đâu biết đó là hàng kém chất lượng. “Mỗi năm, chúng tôi tiêu tốn nhiều tỷ đồng cho công tác chống hàng nhái, hàng giả, nhưng âm thầm thôi. Vì chỉ cần la lên, thiệt hại lại đổ về phía mình, bởi người tiêu dùng có khả năng tẩy chay. Chống hàng giả cũng khổ mà thông tin rộng rãi cho mọi người biết hàng bị làm giả cũng khổ. Hàng giả đã ăn mòn vào lợi nhuận, tác động trực tiếp đến nguồn lực của doanh nghiệp”, giám đốc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TPHCM, lo lắng. Gần 30 năm qua, đội ngũ lãnh đạo thương hiệu thời trang Nón Sơn vẫn âm thầm đi hết trong Nam ngoài Bắc để truy tìm tận nơi các “ổ” sản xuất nón giả, bảo vệ thương hiệu cũng như quyền lợi người tiêu dùng. “Có những lô hàng giả mạo Nón Sơn trị giá nhiều tỷ đồng. Đối tượng livestream nón thật trên mạng nhưng lại giao hàng giả cho khách… Công sức cũng như chi phí bỏ ra chống hàng giả rất lớn, nhưng chúng tôi vẫn phải kiên trì đến cùng, không cho phép bản thân bỏ cuộc”, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, cho hay.
Từ ngày 15-12-2023 đến 14-4-2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 15.562 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu..., xử phạt và nộp ngân sách nhà nước trên 171 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023); hàng hóa tịch thu trị giá gần 73 tỷ đồng; hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trị giá trên 117 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai, chỉ ra rằng, xoài cát của huyện Cần Giờ có thương hiệu, có giấy chứng nhận VietGAP, là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, nhưng việc đưa sản phẩm ra thị trường vẫn gặp khó khăn. Bởi thực tế có tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, khi sản phẩm bị trà trộn, lấy hàng từ các vùng khác về gắn thương hiệu Cần giờ để gạt người mua. Chính vì vậy, ông Huỳnh Văn Thanh kiến nghị cần có chế tài mạnh đối với các hộ sản xuất vi phạm quy định, cố tình kinh doanh hàng giả mạo; đồng thời mong muốn địa phương, sở ngành, doanh nghiệp hỗ trợ đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm đặc sản ra thị trường…
Ông NGUYỄN QUANG HUY, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM:
Đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng
Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, trong đó hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu được bảo hộ đang có xu hướng phát triển đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả… Giả từ mặt hàng giản đơn có giá trị thấp đến những mặt hàng đòi hỏi phải có công nghệ sản xuất hiện đại, trình độ kỹ thuật cao, làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, môi trường đầu tư và quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, kinh doanh chân chính. Bên cạnh môi trường thương mại truyền thống thì hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn được công khai, bày bán tràn lan trên mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử… Tuy vậy, việc triệt phá, xử lý hoạt động giao dịch, buôn bán hàng giả, hàng lậu qua kênh thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn do các đối tượng sử dụng thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hàng hóa mua bán qua thương mại điện tử được vận chuyển qua doanh nghiệp trung gian nên lực lượng chức năng có xác định được phương tiện chở hàng cấm, hàng lậu, hàng giả cũng khó xử lý ngay vi phạm…
Trước thực trạng này, lực lượng Quản lý thị trường TPHCM đã tăng cường phối hợp liên ngành giữa các cơ quan khi thực thi công vụ, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong cuộc chiến chống hàng giả, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin để người tiêu dùng có thể nhận biết được hàng thật - hàng giả đối với sản phẩm tiêu dùng hàng ngày; đảm bảo quyền lợi nhà sản xuất và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thị trường liên tục tập huấn nâng cao trình độ nhận thức, năng lực công tác, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ công chức để nắm bắt, xử lý kịp thời…
Bà PHAN THỊ VIỆT THU, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM:
Tăng cường thông tin, bảo vệ khách hàng
Kinh doanh hàng giả, hàng nhái mang lại “siêu lợi nhuận”, nhất là trong bối cảnh kinh doanh qua mạng ngày càng nở rộ như hiện nay, khiến các đối tượng vi phạm dùng đủ chiêu trò, bất chấp thủ đoạn. Do vậy, về phía cơ quan chuyên trách (quản lý thị trường, công an…) cần nhanh chóng rà soát, xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh hàng hóa giả mạo, kém chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Về phía doanh nghiệp, cũng nên sòng phẳng với người mua khi thường xuyên cảnh báo, chỉ rõ cách phân biệt hàng thật - giả, định hướng cho khách hàng lựa chọn được sản phẩm an toàn, chính hãng. Nhìn chung, việc kinh doanh trực tuyến khá sôi động, giàu tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro, khi chợ mạng khổng lồ có thể bán đủ sản phẩm “thượng vàng hạ cám” trên khắp thế giới, trong khi lực lượng thực thi pháp luật khá mỏng, không đủ sức “phủ sóng” để triệt phá sai phạm. Vì vậy, người tiêu dùng cần chủ động bảo vệ mình bằng cách chọn mua hàng hóa có nguồn gốc, chứng từ, xuất xứ rõ ràng; không tiếp tay mua hàng nhái, hàng giả mạo nhãn hiệu…