Hé lộ đường dây buôn hàng giả
Một số tiểu thương kinh doanh tại các chợ sỉ lớn như Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5, TPHCM)… thông tin chắc nịch: Có đủ nguồn hàng đa dạng mẫu mã, thương hiệu nổi tiếng thế giới để cung cấp cho khách hàng. Chỉ vào mớ hàng vừa nhập “nóng hổi” ở Quảng Châu (Trung Quốc) về TPHCM, bà H.P., kinh doanh ở chợ An Đông, nói thẳng: “Cưng thích hàng gì, quần áo thời trang hay túi xách, mắt kính đều có hết. Mua đây giá rẻ, bán online rất tiện, không ai kiểm tra được đâu”. Còn ông N.H., kinh doanh tại chợ Bình Tây, khẳng định, một số cửa hàng ở khu vực miền Tây, Tây Nguyên đều là khách hàng “ruột” nhiều năm nay, đặt mua mỗi lần vài trăm món và hầu như tháng nào cũng quay lại lấy thêm.
Tuy vậy, bà T. thừa nhận từng bị kiểm tra, xử phạt… một lần vì kinh doanh hàng có dấu hiệu giả mạo, không rõ nguồn gốc. Để chắc chắn hơn, bà T. khuyên, nên đi buôn cùng người giàu kinh nghiệm vài chuyến sẽ có thêm kỹ năng. Nhẩm tính, toàn bộ chi phí làm giấy tờ, ăn ở, đi lại (đường bộ) cho hành trình 10 ngày từ 15-20 triệu đồng/người. Thời gian lưu trú liên quan đến việc khảo sát giá, thỏa thuận giá với người bán. Ngoài ra, khách muốn buôn sỉ hàng từ Quảng Châu về TPHCM có thể nhờ các dịch vụ vận chuyển, giao hàng tận nơi của một số đơn vị như T.Đ. (trụ sở tại Hà Nội và TPHCM), cước phí 37.000 đồng/kg, áp dụng với kiện hàng từ 200-500kg; 41.000-42.000 đồng/kg với kiện hàng từ 10-100kg… Đây là công ty chuyên cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa khá lớn từ Quảng Châu về Việt Nam (có kho hàng ở cả 2 quốc gia). “Yên tâm, tôi bán cả chục năm qua có gì đâu”, bà T. trấn an.
Cần xử lý mạnh để răn đe
Thực tế cho thấy, các điểm bán hàng giả, hàng nhái đều nằm ở vị trí dễ quan sát, bán công khai, ai cũng thấy nên không thể nói khó xử phạt. Chưa kể, với sự chuyên nghiệp của cơ quan chuyên trách thì các mặt hàng này càng khó “lọt lưới”. Ấy vậy mà đến thời điểm này, nhiều điểm bán vẫn ngang nhiên vi phạm. Liệu có hay không tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, xử lý kiểu phong trào, rồi sau đó vi phạm vẫn như cũ?
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Ban Quản lý các chợ Bến Thành (quận 1), Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5) thừa nhận có việc kinh doanh hàng nhái, hàng giả, nhưng họ không có thẩm quyền xử phạt, mà chỉ nhắc nhở, cảnh cáo, đình chỉ kinh doanh từ 3-7 ngày. Còn muốn đề xuất UBND quận rút giấy phép kinh doanh quầy sạp bán hàng gian, hàng giả, quận yêu cầu phải có biên bản kiểm tra của cơ quan chuyên môn (quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế…).
Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Vina CHG, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, nhận định, có nhiều nguyên nhân để hàng nhái, hàng giả tràn lan, trong đó đặc biệt là mức xử phạt hành chính quá nhẹ, không thấm vào đâu so với mức lợi nhuận mang lại. Do vậy, cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, siết chặt cơ sở pháp lý để đưa các vụ liên quan hàng giả, hàng nhái ra xử lý hình sự nhằm răn đe. Về phía công tác bảo vệ người tiêu dùng, hiện đã có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật dân sự cũng cho phép các chủ thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là phải chứng minh được thiệt hại. Để làm được điều này, người tiêu dùng cần tìm hiểu rõ hơn về quyền của mình, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm khi mua, yêu cầu xuất hóa đơn, chứng từ khi mua hàng và lưu giữ để có chứng cứ bảo vệ quyền lợi bản thân khi sản phẩm có vấn đề… “Người tiêu dùng cũng có phần trách nhiệm vì tiếp tay mua hàng giả mạo. Về phía doanh nghiệp, vẫn chưa chủ động bảo vệ quyền lợi của mình, xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, kiểu dáng thông qua đăng ký bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc quốc tế. Ngoài ra, các cơ quan chuyên trách như quản lý thị trường, hải quan cửa khẩu, cảnh sát kinh tế… cần chủ động phối hợp để nâng cao hiệu quả chống hàng giả, hàng nhái”, ông Nguyễn Viết Hồng khuyến nghị.
Thể hiện quyết tâm làm sạch môi trường thương mại, ngày 1-11 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã ký ban hành kế hoạch 4036/KH-UBND nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên vùng biển và địa bàn TPHCM. Mục đích nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Từ đó góp phần ổn định trật tự, tuân thủ quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Văn bản trên đã giao nhiệm vụ cho 11 sở ngành, Cục QLTT TPHCM chủ trì phối hợp thực hiện cùng các sở ngành khác như Công an TP, Hải quan TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP, Cục Thuế, Sở Công thương… thực hiện từ nay đến tháng 9-2025.
Mua đồ cũ để giải “cơn khát” hàng hiệu |
Luật sư NGÔ HUỲNH PHƯƠNG THẢO, Đoàn Luật sư TPHCM: |