Chất lượng... hên, xui
Bà N.T.G. (70 tuổi, ngụ tại huyện Cư Jút, Đắk Nông, bị viêm khớp) bức xúc kể lại câu chuyện của mình khi mua thuốc trị xương khớp dạng viên, liệu trình hơn 2 tháng trên mạng nhưng không thuyên giảm. “Tôi bỏ ra gần 7 triệu đồng, mua uống liên tục mỗi ngày như bà Nhung - người bán thuốc, hướng dẫn nhưng không bớt đau nhức. Tôi ngừng đặt hàng thì bà này cho người khác gọi điện thoại lớn tiếng dọa nạt tôi, cách nói chuyện rất côn đồ”, bà G. nói. Không chỉ trường hợp bà G., một số nạn nhân khác ngụ tại Krông Nô (Đắk Nông), TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng từng mua phải hàng dỏm từ thuốc của ông Ngọ, bà Bồng… Có trường hợp sau uống vài ngày cơ thể bắt đầu thèm ăn, da dẻ đỏ hồng, toàn thân sưng lên do tích nước, người lừ đừ mệt mỏi. Thế nhưng, người mua rất khó đổi trả hàng vì người bán khóa máy, không để lại dấu vết.
Ngay cả các trang TMĐT có tên tuổi như Lazada, Shopee... cũng công khai bán hàng giả. Chẳng hạn, túi xách thương hiệu Chanel, LV, Dior… có giá chỉ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng, trong khi hàng chính hãng lên tới vài chục triệu đồng. Hay nón bảo hiểm giả mạo thương hiệu nón Sơn bán trên Shopee từ 69.000-125.000 đồng, trong khi nón thật từ 600.000 đồng/nón trở lên. Thêm nữa, hàng bạo lực thuộc diện cấm kinh doanh như súng ngắn đồ chơi trẻ em (bằng kim loại) cũng được chào bán, giá hơn 500.000 đồng/cái, nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài. Chị Lê Kim (ngụ đường Nguyễn Thị Minh Khai,
quận 3, TPHCM) cho biết, “thượng vàng hạ cám” đều có thể mua trên các sàn TMĐT, còn chất lượng thì... hên xui. “Hôm trước, tôi có đặt một chân váy rất đẹp từ Shopee giá khoảng 600.000 đồng, khi nhận về mặc thử chật ních nhưng không đổi được”, chị Kim nói.
Không chỉ bán hàng kém chất lượng, nhiều trang mạng còn sử dụng đủ chiêu trò lừa gạt người mua. Điển hình như trường hợp thổi phồng hiệu quả của sản phẩm hỗn hợp trái cây Multi Juice và nhau thai hươu Lucenta của Tập đoàn Bitney vừa được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cảnh báo. Chưa hết, đơn vị này còn hứa hẹn nếu giới thiệu thêm khách sẽ được nhận hoa hồng theo hình thức bán hàng đa cấp. Hiện tại, nhiều người vẫn tiếp tục lừa người thân, người quen bằng việc quảng bá sản phẩm này như... thần dược.
Bà N.T.T. (ở gần chợ Nguyễn Đình Chiểu, quận Phú Nhuận) cho biết, một người bạn thường xuyên lôi kéo bà mua gói “thực phẩm trị bách bệnh” của Bitney, với khả năng trị xương khớp, tiểu đường, thậm chí ung thư... Gói cao nhất 4 sao lên tới 204.750.000 đồng, được chiết khấu 25%. “Tôi ít tiền, chọn gói 1 sao giá 6.825.000 đồng, nhưng uống mãi chẳng thấy hiệu quả, xương khớp vẫn đau nhức”, bà T. bức xúc.
“Siết” hàng kém chất lượng
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty thời trang Nón Sơn, bức xúc, với việc bán hàng như vậy, các sàn TMĐT đã góp phần không nhỏ quảng bá cho... hàng dỏm. Đây là nỗi lo ngại của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính vì nhiều trang TMĐT như Lazada, Shopee… ít nhiều đã được người tiêu dùng biết đến. Do vậy, ông Sơn kiến nghị cần đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn cách nhận biết sản phẩm thật - giả để người tiêu dùng nắm rõ; cần tăng mức xử phạt hành vi bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng để đủ sức răn đe.
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, nhận định, hàng lậu, hàng giả gây bất ổn xã hội, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng. Song song với rà soát, chỉnh sửa các quy định cho phù hợp với thực tiễn, cần tăng cường khảo sát thị trường nhằm ngăn ngừa sản phẩm giả mạo. Cần có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời với quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế… để xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng. “Về phía người tiêu dùng, nên mua hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đối với doanh nghiệp, việc hợp tác chống hàng giả, hàng lậu là quyền lợi, nhằm bảo vệ thương hiệu của chính mình”, bà Việt Thu khuyến nghị.
Số liệu từ Bộ Công thương ước tính, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa trên môi trường mạng ở Việt Nam năm 2022 trên 16 tỷ USD, năm 2025 khoảng 39 tỷ USD. Thế nhưng, TMĐT cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng bởi hàng giả, dỏm, kém chất lượng bán trên kênh này. Trong khi đó, căn cứ quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, quy định hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhẹ nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; nặng nhất là phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng. Quy định đã có, nhưng thực tế có tình trạng khách hàng không lên tiếng tố cáo người bán vì… xấu hổ, tâm lý “được vạ, má sưng” nên bỏ qua cho xong chuyện.
Cần lắm sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, liên ngành, doanh nghiệp để thanh lọc môi trường TMĐT, để hàng hóa đến tay người tiêu dùng ngày càng chất lượng, an toàn.
Thủ đoạn gian lận ngày càng tinh vi, xảo quyệt
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thông tin, từ đầu năm 2023 đến nay, các lực lượng liên ngành chức năng (quản lý thị trường, hải quan…) cả nước đã phát hiện, xử lý hàng loạt vụ vi phạm liên quan đến hàng hóa trôi nổi, giả mạo xuất xứ trên địa bàn TPHCM, Hà Nội… Riêng năm 2022, các đơn vị xử lý khoảng 100.000 vụ vi phạm, trong đó gần 13.000 vụ buôn lậu, hơn 80.000 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 7.666 tỷ đồng. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá, số vụ vi phạm năm 2022 có giảm nhưng thủ đoạn gian lận ngày càng tinh vi, phức tạp so với những năm trước.