Ngày 31-8, bà Trần Thị Thu Thanh Thủy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang cho biết, đã ký văn bản yêu cầu các Đội QLTT tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đối với toàn bộ các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Hiện tại, An Giang có 16 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, 588 cơ sở kinh doanh xăng dầu lẻ. Tính đến hết ngày 31-8, đã có 13 cửa hàng xin tạm ngưng kinh doanh (phần lớn ở các huyện vùng sâu, biên giới như: An Phú, Phú Tân, Tịnh Biên…), 40 cửa hàng còn kinh doanh nhưng treo biển hết xăng RON-95, hoặc chỉ bán giới hạn 50.000 - 200.000 đồng/lần đổ tùy theo xe máy hay xe ô tô.
Chủ một cửa hàng xăng dầu ở huyện An Phú (An Giang) phân tích, mức chiết khấu mỗi lít xăng là 210 đồng, cây xăng mua nhiều nhất được 3.000 lít, tính ra lãi 630.000 đồng. Trong khi đó, chi phí thuê xe bồn là 900.000 đồng, chưa bán ra đã lỗ 270.000 đồng/chuyến. Nếu tính thêm chi phí thuê nhân viên, tiền điện thì mỗi ngày cây xăng lỗ 1,5 - 2 triệu đồng”.
Còn tại Đồng Tháp, thông tin từ Sở Công thương tỉnh này cho hay, chỉ trong một tuần qua trên địa bàn đã có 10 cửa hàng xăng dầu xin tạm đóng cửa vì lý do cá nhân. Có doanh nghiệp than vì "càng bán càng lỗ".
Lãnh đạo ngành công thương 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp cho rằng, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu hiện phải trông vào thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối vì các cửa hàng bán lẻ không có nguồn khác. Quy định hiện nay nếu cửa hàng lấy xăng dầu của đơn vị nào phân phối thì phải lấy của đơn vị đó, không lấy được chỗ khác. Cho nên, nếu đơn vị cung cấp không có nguồn hàng giao thì các cửa hàng đành chịu.
Đại diện Sở Công thương tỉnh An Giang khẳng định, sẽ làm việc với các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối để đảm bảo nguồn cung cho thị trường.