Ghi nhanh trong ngày 20-2, trên các trang bán hàng mang tên “tự vệ”, “công cụ hỗ trợ” vẫn rao bán những mặt hàng có khả năng gây sát thương cao như súng điện, kiếm Nhật, bình xịt cay… Sản phẩm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho người sử dụng. Mức giá bán dao động từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng, có bảo hành, cam kết sản xuất tại Nhật Bản, Mỹ. Người bán nhận giao hàng đi các tỉnh kiểu “tiền trao cháo múc”, lấy hàng mới giao tiền.
Thậm chí, những mô hình bộ phận cơ thể người (bàn tay, ngón tay, bàn chân giả) dính đầy máu cũng được bán công khai trông rất rùng rợn. Cách đây vài ngày, vụ lùm xùm liên quan đến một số trang thương mại điện tử đình đám của Việt Nam bị tố rao bán hàng cấm đã được dư luận chú ý, nhưng hậu câu chuyện này vẫn chưa dừng lại. Bằng chứng cho thấy, nhiều trang mạng tiếp tục chào bán công khai các sản phẩm hàng cấm nhập khẩu để thỏa mãn nhu cầu khách mua hàng, bất chấp tác động tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe người sử dụng, nhất là đối tượng trẻ em.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hân, ngụ tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TPHCM) chia sẻ, dịp Tết Kỷ Hợi 2019, con trai 6 tuổi nhà chị bất ngờ nhận được khẩu súng đồ chơi do một công ty có chi nhánh tại TPHCM chuyển đến. Qua tìm hiểu, chị Mỹ Hân được biết con trai chị chủ động lấy tiền mừng tuổi dịp tết rồi để đặt mua hàng qua mạng. Người bán nhận được đơn hàng nên chuyển tới, không quan tâm người mua là đối tượng nào, già hay trẻ. “Khẩu súng giả nhưng giống hệt súng thật, có đầy đủ các chức năng y như súng thật, khiến người xem giật mình. Phụ huynh chỉ cần sơ ý, không giám sát, tụi trẻ mang họa ngay”, chị Mỹ Hân bức xúc.
Không chỉ các trang fanpage ít tên tuổi âm thầm bán hàng cấm, mà có cả các trang web tên tuổi cũng rao bán những sản phẩm trên. Bàn về giải pháp xử lý các trang web này, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) khẳng định sẽ rà soát và có hướng xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng thừa nhận việc kiểm tra, xử phạt sẽ không dễ dàng. Một lãnh đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công thương) cho biết, các đối tượng kinh doanh hoạt động tự do, thoắt hiện thoắt ẩn nên QLTT rất khó xử phạt.
Lực lượng chức năng chỉ có thể xử lý đối tượng có đăng ký kinh doanh hẳn hoi, địa chỉ rõ ràng; ngược lại, với đối tượng kinh doanh “chui” trên mạng như hiện nay hầu như chưa có cách giám sát hữu hiệu. Trong khi không loại trừ khả năng đây chính là các đầu mối cung ứng nguồn hàng cấm “chợ đen” khổng lồ trên thị trường. Rõ ràng, đã đến lúc các lực lượng liên ngành cần bắt tay nhau chặt hơn, nhờ các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cùng hợp tác để hạn chế tối đa tình trạng kinh doanh hàng cấm trên mạng xã hội. Không thể để tình trạng này tiếp tục nhởn nhơ hoành hành.