Đáp ứng kịp thời
Theo đánh giá của Bộ Công thương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ tháng 6-2021 hàng loạt chợ đầu mối và chợ truyền thống tại TPHCM đã phải tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca F0 ngoài cộng đồng, khiến nguồn hàng về thành phố không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân; nhiều điểm bán xảy ra tình trạng người dân đổ xô mua hàng hóa, dẫn tới sự khan hiếm cục bộ, nhảy giá ngoài thị trường. Chính thời điểm đó, các hệ thống siêu thị, điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn TPHCM đã phát huy tác dụng khi được chỉ đạo tăng dự trữ hàng hóa, nhất là mặt hàng đồ khô với năng lực dự trữ lên 120.000-150.000 tấn/tháng, đảm bảo đầy đủ hàng phục vụ người dân. Theo đó các doanh nghiệp (DN) như Saigon Co.op, Vissan, Ba Huân, CP… đã nhanh chóng vào cuộc để đa dạng nguồn cung, bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố.
Điển hình là Saigon Co.op đã sớm có bước chuẩn bị về nhân sự, phối hợp hiệu quả với lực lượng quân đội, các đoàn thể, chính quyền địa phương thực hiện giải pháp mua chung, đi chợ giúp… phù hợp tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, Saigon Co.op đã dự trữ các mặt hàng thuộc nhóm lương thực thực phẩm, nước chấm, gia vị, đồ hộp, đông lạnh, trữ mát và mặt hàng chống dịch đủ để cung ứng cho nhu cầu của người dân toàn thành phố từ 3-6 tháng tới. Riêng mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, trứng, Saigon Co.op chia nhỏ đến kho trung chuyển, giảm rủi ro đứt gãy chuỗi cung cứng hàng hóa trong quá trình vận chuyển do dịch bệnh.
Xác định dịch bệnh còn phức tạp và giãn cách đặc biệt còn kéo dài đến 15-9, mới đây nhất, chuỗi cửa hàng Co.op Food của Saigon Co.op còn đưa vào vận hành hàng loạt xe buýt “Chuyến xe mua chung - bình ổn giá” để kịp thời giao hàng cho các đầu mối mua chung. Hoạt động này nhằm giảm tải đáng kể cho công tác đi chợ giúp dân đang quá tải hiện nay. Chuyến xe sẽ ưu tiên cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm tươi sống, gia vị giá bình ổn để chia sẻ áp lực chi tiêu với người dân.
Nỗ lực cung cấp hàng hóa thiết yếu
Thống kê từ Saigon Co.op cho thấy, bình quân mỗi ngày, 500 điểm bán của nhà bán lẻ này tại TPHCM đang phân phối hơn 2.200 tấn hàng hóa. Đặc biệt, mỗi siêu thị của Saigon Co.op có năng lực phục vụ bình quân gần 50.000 hộ dân, với combo hàng thiết kế sẵn, mức giá từ 100.000 đồng. Ngoài ra, Saigon Co.op còn là đầu mối để cung cấp hàng chục ngàn suất ăn an toàn cho y bác sĩ và F0 đang điều trị tại các bệnh viện thu dung trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ, nhà bán lẻ này đã có kế hoạch tổng thể từ nhân lực, trữ lượng nhu yếu phẩm đến phương án phối hợp để phân phối hàng hóa đến người dân trong điều kiện siết chặt giãn cách xã hội. Dù phải bù lỗ nhiều tháng qua, nhưng Saigon Co.op cam kết cùng chính quyền thành phố không để người dân bị thiếu đói.
Vissan cũng cam kết đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm với giá ổn định đến người dân TPHCM. Hiện nay, các xưởng sản xuất chế biến xúc xích tiệt trùng, đồ hộp có thể cung cấp ra thị trường từ 10-25 tấn/ngày; xưởng sản xuất giò lụa, thịt nguội, lạp xưởng cung cấp khoảng 2 tấn/ngày... Riêng với mặt hàng thực phẩm tươi sống là thịt heo, Vissan cung cấp cho thị trường khoảng 1.200 thịt heo mảnh/ngày, tương đương gần 50 tấn thịt heo/ngày... Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan, trong bối cảnh hiện nay, đảm bảo được nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân là vấn đề ưu tiên và quan trọng hàng đầu của DN. Đây cũng là lý do ban lãnh đạo Vissan đã và đang từng bước tháo gỡ khó khăn về bố trí nhân sự trong sản xuất. Dự kiến, sắp tới tùy theo nhu cầu thực tế, công ty sẽ tăng lượng thịt heo tươi sống để chuẩn bị đưa vào chế biến. Tại một DN bình ổn thị trường khác là Công ty C.P Việt Nam cũng đã phối hợp với Sở Công thương thực hiện các điểm bán hàng bình ổn giá tại TPHCM. Các điểm bán cung cấp đầy đủ thịt heo, thịt gà và trứng, đảm bảo người dân không thiếu lương thực thực phẩm trong thời gian giãn cách.
Cùng với những điểm bán hàng cố định, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho hay, sở đã huy động nhiều DN logistics, DN bưu chính, thương mại điện tử… tham gia cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân thông qua bán hàng lưu động. Tới nay, chương trình thực phẩm bình ổn lưu động đã có hơn 1.600 điểm bán và 2.100 lượt xe được thực hiện, cung cấp kịp thời hàng trăm tấn thực phẩm thiết yếu, rau củ quả tươi sống mỗi ngày cho người dân ở địa bàn khó khăn, vùng cách ly, phong tỏa. Dự kiến, chương trình sẽ kéo dài đến giữa tháng 9-2021 để phục vụ nhu cầu của người dân khắp thành phố.
“Với sự tham gia của đông đảo DN từ sản xuất đến phân phối, logistics… chúng tôi đã phát huy thành công chương trình bình ổn thị trường. Dù một số giai đoạn ngắn hạn giá cả có thể tăng, nhưng thực tế đã cho thấy chương trình bình ổn thị trường đã kìm giá hiệu quả, giúp người dân được tiếp cận nhu yếu phẩm với giá hợp lý”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ.