Với sản lượng hàng hóa bình ổn thiết yếu chuẩn bị tăng từ 14,6%-17,3% so với kế hoạch TP giao và tăng 21%-28% so với kết quả thực hiện Tết Kỷ Hợi 2019, giá bán nhiều mặt hàng ổn định liên tục trong 2 tháng trước và sau tết, hàng bình ổn đã tạo ra sự lan tỏa chung về mặt bằng giá hàng tết. Đáng lưu ý, trong bối cảnh giá thịt heo liên tục biến động vì nguồn cung giảm do dịch bệnh thì lượng heo bình ổn thực sự trở thành mặt hàng dẫn dắt thị trường cả về giá cả lẫn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo số liệu thống kê từ Sở Công thương TPHCM, tết năm nay, các DN BOTT đã chuẩn bị lượng hàng cung ứng cho 2 tháng tết có trị giá 19.027,3 tỷ đồng, tăng 602,5 tỷ đồng (3,27%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Kỷ Hợi 2019 (18.424,8 tỷ đồng), trong đó giá trị chuẩn bị nguồn hàng BOTT là 7.244,9 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết từ ngày 26-12-2019 đến 24-1-2020 (ngày 1 đến 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.224,5 tỷ đồng, với lượng hàng BOTT là 4.088,5 tỷ đồng.
Cụ thể, lượng hàng hóa thiết yếu chuẩn bị tăng từ 14,6%-17,3% so với kế hoạch TP giao và tăng 21%-28% so với kết quả thực hiện Tết Kỷ Hợi 2019. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 20%-53,2% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 53,2%), trứng gia cầm (48,6%), thực phẩm chế biến (28,1%), thịt gia súc (21%), dầu ăn (27,5%), gạo (31,5%)...
Kết quả thực hiện của các DN BOTT có tổng doanh thu ước đạt 21.217,5 tỷ đồng, tăng 1.395,4 tỷ đồng (7,04%) so với kết quả thực hiện Tết Kỷ Hợi 2019. Trong đó, doanh thu hàng BOTT ước đạt 9.355,1 tỷ đồng, tăng 904,2 tỷ đồng (10,7%) so với cùng kỳ.
Ngoài nhiệm vụ đảm bảo cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường Tết Canh Tý 2020, các DN cũng tích cực thực hiện công tác xã hội, hỗ trợ các đối tượng khó khăn, người lao động nghèo có điều kiện đón tết, thông qua việc tổ chức tốt các đợt bán hàng lưu động với 366 chuyến. Doanh thu bán lưu động ước đạt 8,62 tỷ đồng. Ngoài ra, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) thực hiện nhiều chuyến bán hàng lưu động để hỗ trợ 40 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện BOTT.
Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tham gia BOTT cũng chuẩn bị nguồn vốn và ký hợp đồng dự trữ lượng hàng tăng gấp 2-3 lần ngày thường, cùng với kế hoạch dự trữ tăng 15%-20% của các nhà cung cấp, các hệ thống cũng lên kế hoạch tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tăng thời gian phục vụ, mở thêm quầy thu ngân phụ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân vào thời điểm cận tết.
Nguyên nhân chính giúp mặt bằng giá chung trên thị trường ổn định trong nhiều năm liên tục gần đây là do tất cả các nhóm hàng bình ổn đều được chốt giá liên tục trong 2 tháng trước và sau tết. Mặt khác, ngoài mức giá luôn thấp hơn so với giá thị trường từ 5%-10%, trong tháng tết, các DN tham gia chương trình BOTT tiếp tục liên kết để giảm giá bán sâu hơn đối với nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống… đã tác động mạnh mẽ, sâu rộng đối với giá bán trên thị trường. Theo đó, DN trong chương trình BOTT cũng phối hợp với các nhà phân phối tổ chức đồng loạt nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu các mặt hàng trong tuần cận tết, cụ thể, giá trứng gia cầm giảm 1.000 - 2.000 đồng/chục liên tục trong nhiều ngày trước tết; giá thịt gia súc giảm 5%-10%, tương ứng mức giảm 8.000 - 20.000 đồng/kg trong 3 ngày trước tết; thịt gia cầm giảm giá 10%; đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến giảm 5%-7%; thủy hải sản giảm 15%-20%...
Ở nhóm các mặt hàng rau củ quả, các DN như Saigon Co.op, HTX Anh Đào, Công ty TNHH Thảo Nguyên, HTX Phước An… cung ứng đầy đủ lượng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP cho các siêu thị, cửa hàng và điểm bán hàng lưu động với giá thấp hơn giá thị trường từ 10%-20%… Chính nhờ giá bán ổn định và luôn thấp hơn thị trường nên giá các mặt hàng bình ổn như trứng gia cầm, thịt heo, thịt gia cầm tiếp tục trở thành giá tham chiếu đối với đại đa số người tiêu dùng TPHCM.
Kết hợp để bình ổn giá thịt heo
Nhằm góp phần ổn định thị trường TPHCM và khu vực thông qua Chương trình hợp tác thương mại, các DN của TPHCM đã tăng cường mở rộng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kết nối và tiêu thụ sản phẩm với các địa phương. Tính đến nay đã có hàng ngàn hợp đồng nguyên tắc được ký kết, với tổng vốn giao dịch hơn 30.000 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm của DN các tỉnh, thành đã vào hệ thống phân phối, làm nhãn hàng riêng cho các siêu thị; nhờ vậy, lượng hàng cung ứng cho thị trường TPHCM, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán luôn đa dạng, phong phú, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa. Tại 3 chợ đầu mối ở TPHCM, lượng hàng hóa về chợ hàng ngày đạt bình quân gần 8.000 tấn, vào thời điểm cận tết, lượng hàng này tăng từ 70%-80% so với ngày thường, đã đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm vào cao điểm tết.
Tết năm 2020 cũng là mùa tết đánh dấu chương trình hợp tác ngày càng chặt chẽ và sâu rộng giữa TPHCM với các tỉnh, thành để thực hiện BOTT. Biểu hiện rõ nhất, trong bối cảnh mặt hàng thịt heo liên tục tăng giá do nguồn cung thiếu hụt, vào ngày 31-12 vừa qua, TPHCM đã tổ chức cuộc họp với các tỉnh, thành để phân tích rõ nguyên nhân khiến giá thịt heo tăng cao, từ đó cùng bàn giải pháp ứng phó với khả năng cung cầu và giá cả. Ngay sau cuộc họp này, giá thịt heo đã giảm nhẹ, các DN cung cấp tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ số lượng và ổn định giá bán. Theo đó, nhiều hệ thống siêu thị tham gia chương trình BOTT như Big C, Co.opmart cũng khẳng định sẽ tích cực để đa dạng hóa nguồn thịt và tiến hành bán mặt hàng này với giá gốc để ổn định và dẫn dắt giá cả chung trong toàn khu vực. Với cách làm này đã chặn đứng được tình trạng tăng giá hàng ngày đối với mặt hàng heo hơi và ổn định cho đến cao điểm Tết Nguyên đán 2020.
Bên cạnh đó, các DN cũng đã tiến hành đưa hàng hoá trong chương trình BOTT đến các địa phương để tiêu thụ. Đến nay có hàng chục DN sản xuất và phân phối trong chương trình như Saigon Co.op, Vissan, Cầu Tre, Saigon Food, Colusa - Miliket, Lotte… đã phát triển mạng lưới cung ứng hàng hóa thực hiện bình ổn thị trường khắp các tỉnh, thành.
Bên cạnh nguồn hàng, lãnh đạo TPHCM đã yêu cầu các DN trong chương trình tập trung phát triển nhanh và mạnh mạng lưới phân phối đến với mọi tầng lớp người dân; trong đó ưu tiên khu vực ngoại thành, KCN - KCX. Tại các kênh phân phối hiện đại, hàng bình ổn cũng xuất hiện dày đặc trên các quầy kệ. Ngay cả siêu thị có yếu tố đầu tư nước ngoài như Aeon, Lotte Mart, Giant, Big C… hàng bình ổn cũng được bố trí thành những khu vực riêng, dễ nhìn, dễ thấy.
Nhìn nhận về kết quả triển khai chương trình BOTT Tết Nguyên đán 2020, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết chương trình BOTT được triển khai hiệu quả, không để xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá cục bộ. Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá góp phần nâng sức mua, giúp gia tăng mãi lực. Năm nay, thông qua các hoạt động kết nối cung cầu, thị trường TPHCM có thêm nhiều hàng hóa đặc sản từ nhiều địa phương phục vụ tiêu dùng tết, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý. Bên cạnh sự chuẩn bị đầy đủ về nguồn cung; đa dạng, phong phú về sản phẩm và ổn định về giá cả, hàng hóa năm nay cũng được các DN tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn, được người tiêu dùng quan tâm và đánh giá cao.
Qua kinh nghiệm thực tiễn sau nhiều năm tổ chức chương trình BOTT, Sở Công thương TPHCM cùng các sở ngành, UBND quận huyện và DN tham gia chương trình BOTT đã có sự chuẩn bị từ rất sớm công tác cân đối cung cầu và phân phối hàng hóa. Kế hoạch tết được xây dựng chi tiết, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và được theo dõi, kiểm tra sát sao, giúp cho thị trường tết năm nay diễn ra theo như dự báo và đúng kế hoạch chuẩn bị của TP, đảm bảo cho người dân TPHCM nói chung và người lao động thu nhập thấp nói riêng có điều kiện hưởng tết theo tinh thần “Đoàn kết, vui tươi, an toàn, tiết kiệm”.
Thành quả trên là nhờ vào sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và sát sao của lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM, các sở ngành tham mưu đầy đủ để thực hiện nghiêm túc và quan trọng hơn hết là sự tích cực, đầy trách nhiệm trong thực hiện kế hoạch của các DN BOTT. Qua đó, thể hiện được sự lớn mạnh của các DN, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ BOTT của TPHCM và cả nước.