Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cung cấp dịch vụ “taxi bay” trên 1 - 2 tuyến đường ở khu vực nội đô Seoul vào năm 2025, cố gắng đến năm 2030 tăng lên 10 tuyến. Bộ Địa chính và Giao thông Hàn Quốc dự đoán thị trường UAM sẽ đạt giá trị 13.000 tỷ won (10,68 tỷ USD) năm 2040, giúp người dân di chuyển nhanh hơn rất nhiều so với các phương tiện giao thông công cộng khác như xe bus, tàu điện ngầm. Phương tiện “taxi bay” được thiết kế để di chuyển quãng đường 30 - 50km trong nội đô, cung cấp dịch vụ liên kết với xe bus, tàu điện ngầm và các phương tiện giao thông cá nhân.
Phát triển mô hình “taxi bay” là xu hướng đang được nhiều quốc gia nghiên cứu để giải quyết vấn đề giao thông đô thị. Theo ước tính của Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, thị trường UAM toàn cầu sẽ đạt giá trị 15.000 tỷ USD vào năm 2040.
Hiện tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc đã tham gia dự án taxi bay của Uber với mục tiêu tạo ra một mạng lưới chia sẻ hàng không trong tương lai. Hyundai sẽ sản xuất và triển khai các phương tiện bay trong khi Uber đảm nhận phần cung cấp dịch vụ vận chuyển. Hyundai đã phát triển phương tiện bay S-A1 để sử dụng trong dự án Uber Elevate. Chiếc “taxi bay” này sử dụng các quy trình thiết kế sáng tạo để có thể tối ưu hóa việc cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện. S-A1 ban đầu sẽ được điều khiển bằng con người nhưng trong tương lai nó sẽ trở thành một phương tiện tự hành hoàn toàn.