Hãng tin Yonhap dẫn dữ liệu của các cơ quan quản lý tài chính công bố ngày 22-4, cho biết đồng won Hàn Quốc chốt phiên ở mức 1.382,2 won/USD trong phiên giao dịch cuối tuần qua, giảm 7,3% so với mức 1.288 won/USD được ghi nhận vào cuối năm 2023. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3-1990, khi nước này áp dụng hệ thống tỷ giá hối đoái tính theo giá trị trung bình thị trường thay vì hệ thống neo giá theo giỏ tiền tệ.
Tuần trước, đồng won Hàn Quốc đã trượt xuống mức phải theo dõi chặt chẽ là 1.400 won/USD trong giao dịch ngày 16-4, bất chấp các cơ quan quản lý tài chính đã có động thái can thiệp gián tiếp để trấn an thị trường.
Trong cuộc họp bộ trưởng tài chính ba bên đầu tiên vào tuần trước, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã bày tỏ “những quan ngại sâu sắc về sự mất giá mạnh gần đây” của đồng won Hàn Quốc và đồng yen Nhật. Giới hoạch định chính sách cho biết sự mất giá của đồng won gần đây có phần quá mức so với các quốc gia khác. Sự sụt giảm của đồng won Hàn Quốc là mức lớn thứ bảy trong số 26 loại tiền tệ chính trên toàn cầu.
Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này đang vận hành một hệ thống giám sát thị trường 24 giờ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực có thể có của biến động thị trường tài chính đối với xuất khẩu, chuỗi cung ứng và toàn bộ nền kinh tế. Mặc dù diễn biến tình hình khu vực Trung Đông có tác động lớn đến thị trường Hàn Quốc song ít có khả năng xảy ra thêm tình trạng sụt giá với đồng nội tệ.
Theo tờ Dong-A Ilbo, sự tăng đột biến gần đây của tỷ giá hối đoái không thể đơn giản được coi là dấu hiệu báo trước các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Hiện tượng này phát sinh từ hiệu ứng “king Dollar” toàn cầu, vốn là hệ quả của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất cao và tình trạng bất ổn ở Trung Đông. Trong khi đó, nền kinh tế Hàn Quốc, vốn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, từ lâu đã dễ bị ảnh hưởng bởi “ba mức cao”- gồm lãi suất, lạm phát và tỷ giá hối đoái.