Hàn Quốc: Cường quốc vũ trụ mới?

Vệ tinh đa mục đích
Hàn Quốc: Cường quốc vũ trụ mới?

Nhật Bản vừa phóng thành công vệ tinh Nữ thần Mặt Trăng thám hiểm chị Hằng. Trung Quốc dự kiến sẽ đưa vệ tinh lên mặt trăng vào cuối tháng 10. Ấn Độ và Mỹ đã lên sẵn các kế hoạch tương tự. Hàn Quốc cũng không chịu thua kém, sẽ phóng vệ tinh đời mới COMS-1 trị giá 360 triệu USD với mong muốn vươn lên thành một cường quốc vũ trụ trên thế giới

Vệ tinh đa mục đích

Trong bối cảnh các cường quốc trên thế giới ra sức tăng tốc chạy đua lên mặt trăng, Hàn Quốc cũng chính thức bước vào giai đoạn lắp ráp và thử nghiệm, trước khi tiến hành phóng vệ tinh đa mục đích đầu tiên mang ký hiệu COMS-1 lên quỹ đạo vào năm 2009. Theo nhà bình luận khoa học công nghệ Kim Hak-jin, COMS-1 là vệ tinh đa mục đích có khả năng quan trắc khí tượng, hải dương và thực hiện chức năng viễn thông. Đây là vệ tinh cỡ lớn nặng 2,5 tấn, được chế tạo với tổng kinh phí hơn 360 triệu USD. Vệ tinh này được trang bị các thiết bị quan trắc khí tượng và hải dương và có thể cung cấp thông tin về các đám mây, bụi cát vàng, sự phân bố của sinh vật phù du trên biển, tảo đỏ và ô nhiễm biển.

Vệ tinh Arirang 1 của Hàn Quốc

Vệ tinh Arirang 1 của Hàn Quốc

Khác với vệ tinh Mugunghwa được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ của nước ngoài, việc thiết kế và sản xuất phần thân vệ tinh COMS-1 chủ yếu là do các kỹ sư công nghệ của Hàn Quốc thực hiện. Công đoạn lắp ráp và thử nghiệm cũng được tiến hành tại Hàn Quốc. Do vậy vệ tinh này đang được kỳ vọng là sẽ đóng góp cho sự phát triển công nghệ vệ tinh của Hàn Quốc. Đặc biệt, COMS-1 sẽ trở thành vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh đầu tiên thực hiện đồng thời chức năng quan trắc khí tượng và hải dương. Vệ tinh này sẽ được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa phóng vệ tinh loại nhỏ (KSLV-1) từ trung tâm vũ trụ đang được xây dựng ở đảo Wenaro, tỉnh Cholla.

Sản phẩm nội địa

Từ năm 2000, Chính phủ Hàn Quốc đã cho xây dựng trung tâm vũ trụ với mục tiêu “phóng vệ tinh được sản xuất trong nước bằng tên lửa nội địa”. Đến cuối năm nay, các hạng mục chính của trung tâm vũ trụ ở Goheung như khu quản lý phóng, trung tâm giáo dục và quảng bá. sẽ được hoàn thành. Hệ thống bệ phóng sẽ được hoàn thiện vào cuối năm 2008. Nếu phóng thành công vệ tinh vào năm tới, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ 9 trên thế giới phóng vệ tinh bằng công nghệ của chính mình và sẽ trở thành thành viên của “câu lạc bộ vũ trụ” và trở thành một trong 10 cường quốc vũ trụ trên thế giới.

Hàn Quốc phóng vệ tinh địa tĩnh đầu tiên vào năm 1995 và cho đến nay đã phóng tổng cộng 4 vệ tinh như vậy. Hiện Hàn Quốc có 3 vệ tinh địa tĩnh đang hoạt động do vệ tinh đầu tiên đã hết hạn sử dụng. Nếu vệ tinh viễn thông, hải dương và khí tượng COMS-1 được phóng vào năm 2009, Hàn Quốc sẽ trở thành một trong 10 nước sở hữu nhiều vệ tinh nhất cũng như công nghệ liên quan đến vệ tinh. Ngoài ra, Hàn Quốc còn có các vệ tinh khoa học ở quỹ đạo thấp như vệ tinh Arirang 1, 2 và nếu tính cả các vệ tinh thí nghiệm khoa học loại nhỏ như Wooribyel thì Hàn Quốc đã phóng được hơn 10 vệ tinh. Công nghệ vệ tinh của Hàn Quốc đã được xuất khẩu sang các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Malaysia...

Seoul đã có kế hoạch đầu tư 3,6 tỷ USD trong 10 năm tới để đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ. Sự phát triển của ngành công nghiệp vũ trụ đã kéo theo sự xuất hiện của rất nhiều công nghệ liên quan. Vì thế, việc Hàn Quốc phát triển ngành công nghiệp vũ trụ sẽ có tác dụng tích cực đối với ngành chế tạo đang có sức cạnh tranh mạnh mẽ như bán dẫn, viễn thông, ô tô, đóng tàu. Hàn Quốc đang tìm hướng phát triển ngành công nghiệp vũ trụ để đảm bảo phát triển kinh tế khi những ngành công nghiệp đang có thế mạnh hiện nay không thể duy trì được ưu thế của mình trong tương lai.

Việt Lê (theo Dona Ilbo)

Tin cùng chuyên mục