Hàn Quốc bảo vệ nguồn cung khoáng sản

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc vừa quyết định đưa 10 loại khoáng sản, trong đó có lithium và nickel, vào danh sách các khoáng sản quan trọng chiến lược nhằm tăng cường quản lý nguồn cung, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, từ đó giúp đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia tốt hơn.
Một nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn tại Gyeonggi, Hàn Quốc
Một nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn tại Gyeonggi, Hàn Quốc

Đây được coi là một bước tiến mới trong kế hoạch quản lý và khai thác khoáng sản tại Hàn Quốc. Nhà chức trách sẽ tăng cường theo dõi và quản lý nguồn cung đối với những khoáng sản này để giảm thiểu tác động kinh tế từ các rủi ro liên quan đến nguồn cung. Trước đó, vào đầu năm 2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cam kết giảm sự phụ thuộc vào khoáng sản của một quốc gia nhất định và công bố chiến lược tài nguyên mới cho phép chính phủ Hàn Quốc chia sẻ thông tin dự trữ với khu vực tư nhân. Việc kiểm soát nguồn khoáng sản sẽ hỗ trợ những công ty sản xuất thiết bị bán dẫn, pin xe điện và các thiết bị thông minh tại Hàn Quốc trong cuộc cạnh tranh chiếm vị trí dẫn đầu tại khu vực và trên thế giới.

Trong thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ xây dựng bản đồ nguồn cung toàn cầu của những khoáng sản này và thiết lập hệ thống cảnh báo sớm để lường trước các rủi ro liên quan. Nhằm ứng phó hiệu quả hơn đối với khả năng xảy ra khủng hoảng nguồn cung, chính phủ sẽ đẩy mạnh tích trữ các nguyên liệu quan trọng trong 100 ngày thay vì 54 ngày như hiện nay, đồng thời công bố kế hoạch hỗ trợ những công ty cần các vật liệu này trong vòng 8 ngày. Theo số liệu của chính phủ, dự báo đến năm 2040, nhu cầu lithium sẽ tăng 42 lần so với năm 2020, trong khi nhu cầu cobalt và nickel sẽ lần lượt tăng 21 lần và 19 lần.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng sẽ nỗ lực tăng cường hợp tác với các quốc gia giàu tài nguyên thông qua các kênh ngoại giao cấp cao để đảm bảo nguồn cung ổn định. Nước này cũng cam kết tận dụng tối đa cơ chế Đối tác an ninh khoáng sản (MSP) do Mỹ dẫn đầu để giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận các dự án phát triển khoáng sản quan trọng của nước ngoài. Sáng kiến MSP được khởi động vào năm ngoái và có sự tham gia của 12 quốc gia, trong đó có Australia, Canada, Pháp và các nước châu Phi giàu tài nguyên.

Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng cường ưu đãi thuế và nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính khác cho các doanh nghiệp tư nhân trong công tác thăm dò tài nguyên ở nước ngoài. Đồng thời, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp tư nhân để tái chế rác thải với mục tiêu nâng tỷ lệ các khoáng sản được tái sử dụng lên mức 20% so với mức 2% hiện nay. Các biện pháp trên được công bố trong cuộc họp tại thủ đô Seoul có sự tham gia của Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Lee Chang-yang, lãnh đạo các công ty lớn trong lĩnh vực sản xuất pin, ô tô và các lĩnh vực liên quan khác như LG Energy Solution Ltd., Samsung SDI Co., SK On Co., Hyundai Motor Co. và POSCO Holdings Inc. Bộ trưởng Lee Chang-yang khẳng định, thông qua việc thực thi các chiến lược này, Hàn Quốc có thể sẽ giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ một số quốc gia từ mức 80% hiện nay còn khoảng 50% vào năm 2030.

Ngoài Hàn Quốc, một số nước như Mỹ, EU và Nhật Bản đều đưa ra hoặc cập nhật các chiến lược cung cấp khoáng sản quan trọng của quốc gia và đặt ra các kế hoạch quy mô hơn để đa dạng nguồn cung. Hình thành chuỗi cung ứng khoáng sản cũng đã trở thành một hạng mục ưu tiên trong chương trình nghị sự của các cơ quan đại diện ngoại giao ở nhiều nước.

Tin cùng chuyên mục