Ngày 10-7, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Bộ TN-MT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ các cơ chế, chính sách cụ thể để tháo gỡ các nút thắt, rào cản để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và chủ động đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài như: Nghị định số 25 tháo gỡ nút thắt liên quan đến giao đất đối với trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất; Nghị định số 41 về gia hạn nộp tiền sử dụng đất; dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Người đứng đầu ngành TN-MT thông tin: hiện nay, Bộ đang hoàn thiện Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai trình Chính phủ để tháo gỡ rất nhiều “điểm nghẽn” cho phát triển.
Đặc biệt, cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm được khoảng 1.047 tỷ đồng/năm. Có 33 dịch vụ công mức độ 4, đạt 30% số dịch vụ; hoàn thành yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02 ngày 1-1-2020; hoàn thành trước 6 tháng các chỉ tiêu mà Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ đặt ra trong giai đoạn 2019-2020.
Bên cạnh đó, các nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, nước, tài nguyên biển được sử dụng hiệu quả, trở thành nguồn lực cho phát triển; trong đó, riêng thu tiền sử dụng đất tính đến 15-5-2020 đã đạt 57.900 tỷ đồng, bằng 60,4% kế hoạch năm là nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, chỉ số tiếp cận đất đai tiếp tục tăng 0,27 điểm; chỉ số hài lòng về dịch vụ cấp giấy chứng nhận tăng 13% so với năm 2016; tỷ lệ phản ánh có tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận giảm 34% so với năm 2015. Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) về tiếp cận dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực TN-MT ở địa phương tăng từ 80,03 lên 85,62%; chỉ số hài lòng về công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính đạt 83,82%...
Thời gian tới, một số những thách thức đã được nhận diện: môi trường đang chịu áp lực ngày một lớn, nguồn ô nhiễm tăng nhanh, phát sinh nhiều loại hình chất thải, chất ô nhiễm. Hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt hơn năm 2016. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, khắc phục đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tăng 6%; nhiều địa phương đã có mô hình xử lý hiệu quả như Nghệ An, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Cần Thơ… Bộ TN-MT đã thiết lập hệ thống gần 900 trạm quan trắc kết nối trực tuyến với các Sở TN-MT, Bộ TN-MT; có thể theo dõi trên các thiết bị di động.
Mặc dù hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt hơn năm 2016, nhưng nhờ dự báo được sớm nên thiệt hại chỉ bằng 1/10 so với năm 2016, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.