Chuyến thăm Trung Quốc trong 3 ngày của Tổng thống Raisi không chỉ nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế song phương, mà còn cho thấy quyết tâm không ngừng của chính phủ Tổng thống Raisi trong việc thúc đẩy chính sách “hướng Đông”, nghĩa là xây dựng liên minh với các cường quốc thế giới không thuộc phương Tây có cấu trúc chính trị tương đồng với Iran.
Về phía Trung Quốc, động thái của Bắc Kinh cũng nhằm hàn gắn quan hệ và củng cố hợp tác với Tehran. Trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Saudi Arabia hồi tháng 12-2022, các bên nhất trí Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nên đàm phán để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Iran về các đảo ở eo biển Hormuz. Tuyên bố khiến Iran phải triệu tập Đại sứ Trung Quốc để phản ứng. Phía Bắc Kinh từng nhiều lần nhấn mạnh, quan hệ của Trung Quốc với Iran và các nước vùng Vịnh không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào. Lãnh đạo hai nước dự kiến hội đàm riêng và các phái đoàn của hai nước sẽ ký các văn kiện hợp tác. Ngoài ra, Tổng thống Raisi cũng sẽ gặp gỡ với doanh nhân hai nước. Trước chuyến thăm của Tổng thống Iran, hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 9 năm ngoái tại Uzbekistan trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Iran và Trung Quốc có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, thương mại và đầu tư. Hiện nay, Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn của Iran và là nguồn đầu tư quan trọng vào quốc gia Trung Đông này. Theo hãng tin Iran IRNA, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Iran. Số liệu thống kê 10 tháng qua của Hải quan Iran cho biết kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc đạt 12,6 tỷ USD, trong khi nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 12,7 tỷ USD từ Trung Quốc.
Hồi đầu năm 2022, Bắc Kinh và Tehran công bố kế hoạch tăng cường liên kết cơ sở hạ tầng và năng lượng khi thỏa thuận hợp tác chiến lược kéo dài 25 năm mang tính bước ngoặt được ký năm 2021 có hiệu lực. Nội dung của thỏa thuận bao gồm các hoạt động kinh tế chính từ dầu mỏ và khai thác mỏ đến công nghiệp, giao thông vận tải và nông nghiệp.