Đơn vị đề xuất cho rằng, 6 năm thu gần 1.600 tỷ đồng sau khi trừ vốn đầu tư. Quá trình thực hiện chia 4 giai đoạn: năm 2021-2022, tập trung tuyên truyền đến người dân; năm 2023-2025, thí điểm kiểm soát có thu phí 50.000 đồng/xe/năm các quận 1, 3, 10; sau năm 2025, triển khai khu vực quận 1, 3, 5, 10 và Tân Bình; sau năm 2027, kiểm soát 13 quận trung tâm. Tổng chi phí đầu tư nhân lực, hệ thống kiểm soát khí thải xe máy được tính toán khoảng 553 tỷ đồng.
Kiểm soát khí thải xe máy đã có chủ trương cách đây 10 năm. Với ô tô, nhiều năm qua việc kiểm soát khí thải gây ô nhiễm môi trường được thực hiện bằng quy định áp dụng niên hạn sử dụng và kiểm định định kỳ. Song, trên đường phố vẫn dễ thấy những ống khói đen ngòm thải ra từ xe hơi, xe buýt, xe tải. Còn với xe máy, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt đề án kiểm soát khí thải. Đề án đã đưa ra lộ trình áp dụng theo từng địa phương, theo loại xe (kiểu loại, năm sử dụng) và giải pháp triển khai.
Kiểm soát khí thải các loại phương tiện gây ô nhiễm môi trường là cần thiết nhưng cách thức thực hiện sao cho hiệu quả, phù hợp thực tiễn. Xe cũ nát, lạc hậu sau khi kiểm định khí thải không đạt có bị thu hồi loại bỏ hay tiếp tục lưu thông? Hơn nữa, thu phí kiểm soát khí thải xe máy giúp giảm ô nhiễm môi trường mức nào, có giảm được lượng phương tiện trên đường? Trong khi, thành phố đang quá tải xe cá nhân, xảy ra ùn tắc giao thông là vấn đề bức xúc nhất hiện nay. TPHCM hiện có 8,94 triệu phương tiện cá nhân, tăng gần 7% so với năm 2018. Trong đó, có hơn 825.000 ô tô (tăng gần 16%) và 8,12 triệu xe máy (tăng hơn 6%). Từ năm 2010 đến nay, TPHCM đã tăng hơn 4 triệu phương tiện giao thông. Nếu chờ có đủ phương tiện công cộng mới hạn chế xe cá nhân, e rằng khó khả thi.
Kiểm soát ô nhiễm môi trường cần đi kèm với giải pháp phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân. TPHCM hiện có thuận lợi là đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân đã được thông qua, triển khai sẽ giúp thu hút đầu tư hạ tầng giao thông. Hơn nữa, đường sắt đô thị cũng sắp hoàn thành, sẽ sớm đưa vào khai thác. Đây còn là giải pháp giúp hạn chế ùn tắc giao thông, kẹt xe tại TPHCM. Trước mắt, cần hành lang pháp lý thu hồi các phương tiện không đủ điều kiện lưu thông như xe tự chế, xả khói mù mịt, không biển số, không đăng ký… Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân đã được thông qua với các giải pháp cụ thể, cần quyết tâm và sớm triển khai thực hiện.