Xe 3, 4 bánh thô sơ, không đảm bảo chất lượng an toàn đã và đang tạo ra những nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông cho thành phố. 10 năm trước TPHCM đã ban hành Quyết định 04/2009 hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người nghèo đang sử dụng xe thô sơ 3, 4 bánh tự chế để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn này. Thế nhưng, sau chừng ấy năm… mọi việc gần như trở lại điểm xuất phát ban đầu.
Luẩn quẩn với xe thô sơ
Không phải người sử dụng xe thô sơ 3, 4 bánh tự chế nào cũng “phóng nhanh, vượt ẩu” với tâm thế “chén đá không sợ chén kiểu” gây mất trật tự an toàn giao thông cho TPHCM.
Thế nhưng, những người này không nhiều. Phần đông người điều khiển xe 3, 4 bánh thô sơ tự chế chở hàng rất vô tư, họ luồn lách vượt lên bất kể đang ở làn đường của ô tô hay xe gắn máy 2 bánh.
Sợ nhất là khi họ chở hàng cồng kềnh nhưng vẫn cố vượt lên để rồi hàng hóa chở phía sau móc vào tay lái xe gắn máy 2 bánh của người cùng đi, kéo những người này té xuống đường. Đó là chưa kể, hầu hết xe loại này đều thải khói đen, khét lẹt…
Chính vì vậy, năm 2009, TPHCM đã ban hành Quyết định 04/2009 hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người nghèo đang sử dụng xe thô sơ 3, 4 bánh tự chế.
Điều đáng nói, loại xe này, lúc đầu không có quy định phải đăng kiểm nhưng sau đó buộc phải đăng kiểm. Theo quy định mới này, khi xe hư hỏng và chủ xe tự sửa chữa thì buộc phải khôi phục lại theo đúng thông số kỹ thuật của nhà sản xuất.
Nếu chủ xe muốn thay đổi hay nâng cấp mới thì phải liên hệ với nhà sản xuất để yêu cầu cập nhật lại tiêu chuẩn kỹ thuật trên mạng của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tuy nhiên, trước đây phần lớn loại xe này do các công ty ở phía Bắc sản xuất và cung cấp. Hiện nay, ở TPHCM, không tìm thấy thông tin về đơn vị sản xuất hoặc đơn vị phân phối loại xe này.
Hậu quả, đang có hàng loạt xe 50TĐ lưu thông trên đường phố, nhưng trong tình trạng gần như vô thừa nhận khiến cuộc sống của hàng ngàn người từng chạy xe ba gác chuyển sang chạy loại xe này ở TPHCM ngày càng bấp bênh, có người phải bán tháo xe, tìm kế khác mưu sinh, có người tiếp tục chạy loại xe này trong tình trạng phập phồng vì không biết bị… tuýt còi lúc nào.
Nhiều chủ xe đã cố gắng sửa chữa xe và đem đi đăng kiểm để có thể chạy xe theo quy định. Nhưng, theo thống kê của các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới, phần lớn loại xe này vào kiểm định đều không đạt tiêu chuẩn quy định.
Tập trung ở những lỗi sau: tự ý thay đổi thiết kế, kết cấu thùng xe, khung xe; tự ý thay đổi động cơ xe; thay đổi lốp xe khác loại; hệ thống lái, hệ thống phanh không đạt tiêu chuẩn; cabin xe (đầu xe) không đúng với thiết kế đã được nhà sản xuất đăng ký…
Chưa hết, ban đầu điều khiển xe này chỉ cần bằng A3 hoặc A4 như mô tô nhưng nay quy định phải có bằng B2 (ô tô số sàn). Trước tình trạng xe thô sơ 3,4 bánh có xu hướng hoạt động ẩu trở lại, cùng với những bất cập trong chuyển đổi sang xe 50TĐ, TPHCM đã có chỉ đạo rà soát lại tất cả.
Đánh giá toàn diện
Cuối tháng 9 vừa qua, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành và 24 quận huyện khẩn trương thống kê để có kế hoạch chuyển đổi nghề cho người dân đang sử dụng xe 3, 4 bánh thô sơ, tự chế.
Theo đó, UBND TP giao Chủ tịch UBND 24 quận huyện khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê danh sách số lượng, tình trạng sử dụng và các thông tin liên quan đến người sử dụng các loại phương tiện xe 3, 4 bánh tự chế và xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ (xe “50TĐ”) đang hoạt động trên địa bàn quản lý.
Nhất là những hộ gia đình khó khăn; xác định rõ các hộ này có thuộc đối tượng đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 04/2009/QĐ-UBND ngày 20-1-2009 của UBND TP hay không; đồng thời, báo cáo rõ các khó khăn, vướng mắc (nếu có) và đề xuất hướng xử lý, nhằm hỗ trợ người dân ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo, gửi về Sở LĐ-TBXH trong tháng 10 này.
Sở GTVT phối hợp với Công an TPHCM và các cơ quan, đơn vị có liên quan đánh giá thực trạng sử dụng đối với loại phương tiện “50TĐ” trong điều kiện giao thông thành phố; xác định các bất cập (về chất lượng phương tiện, nhu cầu sử dựng thực tiễn, mức độ đáp ứng các điều kiện về an toàn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường...); đề xuất và dự thảo văn bản trình UBND TP.
Giám đốc Sở LĐ-TBXH chủ trì, phối hợp với sở ngành, quận huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người nghèo đang sử dụng loại phương tiện xe 3, 4 bánh tự chế trên địa bàn TP, nhằm phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về hiệu quả của chính sách và các khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện.
Từ đó, tham mưu đề xuất UBND TP hướng xử lý phù hợp, đảm bảo yêu cầu về an toàn giao thông và tạo điều kiện cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn được ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Hiện, để tăng cường quản lý, lưu hành loại xe này, Sở GTVT đề xuất UBND TP giao UBND các quận huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sửa chữa các loại phương tiện này trái quy định; yêu cầu các cơ sở cam kết không tham gia cơi nới, thay đổi kết cấu thùng xe nếu không có thiết kế đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và rút giấy phép kinh doanh nếu vi phạm.
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, Công an TPHCM, hiện tại thành phố có 2.990 xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ. Trong số này, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, chỉ có 9 xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ mang biển số TPHCM được cấp giấy chứng nhận kiểm định còn thời hạn hiệu lực. Cục Đăng kiểm Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, hầu hết các thông tư chỉ quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và khi xe tham gia chở người tối đa không quá 15 chỗ. Tuy nhiên, các quy định tại các thông tư không đề cập tới niên hạn sử dụng đối với các loại xe này. Việc đăng ký loại xe thuộc thẩm quyền Bộ Công an. |