Tỷ lệ oan, sai trong giai đoạn điều tra giảm mạnh
Những kết quả nổi bật nhất là giảm mạnh các trường hợp khởi tố, điều tra, truy tố oan, trong nhiệm kỳ chưa phát hiện trường hợp nào tòa án kết án oan người vô tội; việc giải quyết các vụ án, nhất là án kinh tế, tham nhũng không có trường hợp nào xét xử quá thời hạn luật định; nguyên tắc tranh tụng trong xét xử ngày càng được bảo đảm tốt hơn… Nhìn chung, hoạt động của VKSND, TAND trong nhiệm kỳ 2016-2021 đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện; góp phần quan trọng giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
“Tuy nhiên, phần đánh giá về nguyên nhân chủ quan trong các báo cáo có phần chưa thật sự sâu sắc, cần được đánh giá đầy đủ hơn”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp thẳng thắn bình luận.
Liên quan đến công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND các cấp, cơ quan thẩm tra của Quốc hội ghi nhận, VKSND các cấp đã yêu cầu hủy bỏ nhiều quyết định trái pháp luật; ban hành hàng nghìn kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm. Công tác xét phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn về cơ bản được thực hiện đúng pháp luật, qua đó, kịp thời hủy bỏ các quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam không có căn cứ. VKSND các cấp đã kiểm sát 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra; kéo giảm tỷ lệ oan, sai trong giai đoạn điều tra. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh qua các năm đều đạt 99,9%, vượt chỉ tiêu của Quốc hội.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Lê Thị Nga chỉ rõ, thực tế vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của VKSND. Có 157 trường hợp VKS đã phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, nhưng sau đó đã trả tự do vì người bị bắt, bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật. Có 139 trường hợp bị đình chỉ trong giai đoạn điều tra và 47 trường hợp bị đình chỉ trong giai đoạn truy tố, do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.
Trong khi đó, việc xét phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong một số trường hợp lại chưa chặt chẽ; còn để xảy ra một số trường hợp VKS hủy bỏ biện pháp tạm giam đang áp dụng, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác dẫn tới bị can phạm tội mới, bỏ trốn, phải ra lệnh truy nã (51 trường hợp). Số vụ Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà VKS chấp nhận còn khá lớn (9.141 vụ), trong đó có 788 trường hợp Tòa án trả hồ sơ cho VKS yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới.
“Điều này phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các vụ án này còn chưa đáp ứng yêu cầu”, bà Lê Thị Nga bình luận.
Nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm
Qua thẩm tra Báo cáo của Chánh án TAND tối cao, Uỷ ban Tư pháp đánh giá cao việc tỷ lệ giải quyết án đạt 99,5% (vượt 11,5% so với chỉ tiêu của Quốc hội); chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tăng lên qua từng năm và khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết, xét xử những năm trước đây. Đặc biệt, trong cả nhiệm kỳ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Việc cho các bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tiếp tục được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%) và giảm dần qua các năm…
Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong nhiệm kỳ cũng được coi là “có nhiều chuyển biến rõ rệt cả về tiến độ và chất lượng giải quyết”. Tỷ lệ đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã giải quyết tăng qua các năm và tăng mạnh so với đầu nhiệm kỳ (tăng 26,2%). Các kháng nghị của Chánh án có thẩm quyền đều được Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận. Đã khắc phục cơ bản việc có văn bản trả lời không có căn cứ kháng nghị, sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm…
Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các loại án vẫn chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội. Trong khi Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu tỷ lệ giải quyết đạt từ 60% trở lên, thì năm 2020 – năm đạt tỷ lệ cao nhất, ngành mới giải quyết được 56,7%. Do đó, TANDTC cần đánh giá cụ thể hơn các nguyên nhân và tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng và số lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong nhiệm kỳ tới. Đồng thời, cơ quan của Quốc hội cũng đề nghị TANDTC có các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết, xét xử các loại án trong nhiệm kỳ tới, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại, các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp; nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính…