Chiều 15-11, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, để triển khai một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính theo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực, UBND TP yêu cầu Công an TPHCM khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan cùng UBND các quận, huyện khẩn trương rà soát, đánh giá, phân loại các phương tiện đang được quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm. Qua đó, xây dựng phương án xử lý, trong đó nêu rõ biện pháp, lộ trình cụ thể xử lý đối với từng loại phương tiện theo quy định, trình UBND TP phê duyệt. Thời hạn thực hiện trước ngày 31-12 năm nay.
Theo đó, Công an TPHCM chỉ đạo các lực lượng thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính. Theo tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cần hạn chế việc giữ phương tiện khi xử lý vi phạm hành chính.
Trong trường hợp đủ điều kiện và bắt buộc phải tạm giữ phương tiện vi phạm để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì áp dụng triệt để quy định về việc giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền tạm giữ theo quy định.
Trong trường hợp phải tạm giữ tại các điểm trông giữ tập trung phải bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và văn bản hướng dẫn thi hành về quy trình, trình tự thủ tục tạm giữ.
Công an TPHCM chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở GTVT, Sở Tư pháp và UBND các quận, huyện đánh giá các quy định pháp luật liên quan đến trình tự, thủ tục tạm giữ các phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính, tịch thu, bán đấu giá, xử lý tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.
Trên cơ sở đó, đề xuất các bộ, ngành Trung ương theo hệ thống dọc sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chặt chẽ, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện vi phạm, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý các phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ; báo cáo UBND TP kiến nghị Chính phủ xử lý những nội dung vượt quá phạm vi, thẩm quyền xử lý của các bộ, ngành Trung ương.
Đối với Sở Giao thông Vận tải, cần tham mưu UBND TP lập Tổ công tác liên ngành trước ngày 30- 11, gồm Sở GTVT (là cơ quan thường trực), đại diện các cơ quan như Công an TP, Sở Tài chính, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan khác.
Tổ công tác có chức năng, nhiệm vụ tham mưu, tư vấn giúp UBND TP phê duyệt phương án xử lý do Công an TP trình; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, phối hợp giải quyết hoặc đề xuất UBND TP giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện phương án xử lý các phương tiện giao thông vi phạm đang bị tạm giữ tại các điểm trông giữ trên địa bàn thành phố theo phương án xử lý đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Công an TP và các cơ quan liên quan thực hiện báo cáo UBND TP tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp xử lý các phương tiện giao thông vi phạm hành chính đang bị tạm giữ tại các điểm trông giữ trên địa bàn thành phố.
Đối với các sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, phối hợp với Công an TP rà soát tổng thể, đánh giá, phân loại các phương tiện đang được quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm thuộc phạm vi quản lý của mình. Bên cạnh đó, phối hợp thực hiện phương án xử lý các phương tiện giao thông vi phạm đang bị tạm giữ tại các điểm trông giữ trên địa bàn TP. Ngoài ra, các đơn vị phải đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến trình tự, thủ tục tạm giữ các phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính, tịch thu, bán đấu giá, thanh lý tài sản nhà nước.