Theo Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, những năm gần đây, một số doanh nghiệp, trang trại ở Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT (mạng lưới thiết bị kết nối internet) tại các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây. Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có 17 doanh nghiệp phát triển nông trại theo hướng 4.0. Việc ứng dụng công nghệ IoT đã làm thay đổi phương thức sản xuất, đem lại doanh thu từ 5-8 tỷ đồng/ha/năm.
Đại diện UBND TP Đà Lạt nhận xét, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng kèm theo gia tăng phát triển nhà màng, nhà kính là những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến môi trường. Nhà kính phát triển đến đâu, mảng xanh bị đẩy lùi đến đó. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý, cấp phép xây dựng nhà kính chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể nên thành phố không có cơ sở để triển khai thực hiện.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đều có chung nhận định cần đảm bảo phát triển hài hòa với môi trường, cảnh quan Đà Lạt. Trong đó, hạn chế tối đa dựng nhà kính tại khu trung tâm thành phố. Kiến trúc sư Trần Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng, cho rằng nhà kính thực ra chỉ là một phương án canh tác chuyên canh, nhưng nhiều người lại đánh đồng đó là công nghệ cao, cùng với sự hấp dẫn của năng suất, doanh thu khiến nhiều người dân xây dựng tràn lan, ở mọi địa hình mà không quan tâm đến sự đánh đổi cảnh quan, môi trường. “Một trong những giải pháp, đó là hạn chế mật độ chung xây dựng nhà kính trên diện tích đất nông nghiệp toàn thành phố, có thể từ 50 - 60%. Diện tích còn lại làm nông nghiệp sinh thái đơn thuần. Nghiên cứu ban hành quy định mức thu phí xây dựng nhà kính như là một loại phí môi trường”, Kiến trúc sư Trần Văn Việt đề nghị.
Còn theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, không nhất thiết đều đưa các loại cây vào trồng trong nhà kính. Tỉnh khuyến khích trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, song không trồng trong nhà kính. Về lâu dài, Đà Lạt cần xây dựng đề án giảm dần và tiến đến không còn nhà kính theo từng khu vực, để khu trung tâm thành phố như ở các phường: 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 không còn nhà kính và trả lại mảng xanh để tạo cảnh quan cho đô thị Đà Lạt.